Thái độ đó vẫn theo tôi đến đại học, nơi tôi nhanh chóng nhận ra sự ‘tối thiểu’ trong việc học với kết luận: Chỉ cần đạt điểm trung bình 2,5 là đủ – một tiêu chuẩn quá thấp tôi dễ dàng đạt được.
Vào thời điểm đó tôi cũng chơi trong một ban nhạc, và biết nếu các bài hát được chơi một cách suông sẻ, không mắc lỗi, đó là yêu cầu tối thiểu. Chỉ cần “thường thường bậc trung” là đủ tốt. Ngay cả công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tự hỏi mình sẽ làm gì?
Tuy nhiên, với công việc đầu tiên tôi đã được sáng tỏ. Cũng có thể do sau khi kết hôn, tôi nhận ra vợ mình xứng đáng nhận được nhiều điều tốt hơn. Cũng có thể do cô ấy nói, do tôi đọc hoặc nghe đâu đó. Nhưng dù gì đi nữa, thái độ của tôi đã thay đổi. Ví dụ chiếc bán tải tôi mua lần đầu là chiếc xe tối giản nhất. Thế nhưng 4 năm sau, tôi mua một chiếc có đầy đủ nội thất xịn – phản ánh cách tiếp cận mới của tôi với cuộc sống nói chung.
Thời gian đó, tôi bắt đầu kinh doanh riêng và hiểu rằng để thành công, tôi phải là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Nếu người khác cung cấp cùng một dịch vụ nhưng chất lượng cao hơn, thì tôi đã thất bại trong mục tiêu của mình. Tôi đã được trang bị, đào tạo tốt nhất, đầu tư thời gian cần thiết để trở thành người giỏi nhất. Nên việc theo đuổi sự xuất sắc trở thành trọng tâm trong đời sống và công việc kinh doanh của tôi.
Đó là giai đoạn trước khi tôi tin nhận Chúa Jesus. Về sau, có Chúa, tôi ấn tượng nhất câu này: “Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Jesus để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Câu Kinh thánh đã giúp tôi cảm nhận được sự kêu gọi: hãy làm công việc của mình một cách tốt nhất có thể.
Kinh Thánh chứa đầy các mệnh lệnh phải làm việc lành và tôn vinh Chúa bằng đôi tay ta. Ví dụ “Hễ làm việc gì hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:230. Không có chỗ cho sự gian dối, qua loa trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống cá nhân hay công việc.
Tôi ước mình tập trung vào sự xuất sắc từ khi còn học trung học, thay vì mãi đến năm 25 tuổi. Nhưng có lẽ tôi cần xem cách theo đuổi sự xuất sắc, để nó có thể định hình cuộc sống theo cách khiến tôi và mọi người tôi gặp đều hài lòng.
Và thái độ sống này đã được đền đáp, tôi được khách hàng đánh giá cao, thành công về mặt tài chính. Sau đó, chúng tôi mở quán cà phê, đối đầu trực diện với một tập đoàn lớn, tôi biết mình lại phải theo đuổi sự xuất sắc: cung cấp dịch vụ đặc biệt, cà phê ngon hơn đối thủ… Quán cà phê lập tức thành công, cả dịch vụ và chất lượng, được cộng đồng đánh giá cao như tôi đã hình dung.
“Con có thấy người nào siêng năng trong công việc mình chăng? Người ấy hẳn sẽ phục vụ các vua, chứ chẳng phải phục vụ người tầm thường đâu” (Châm ngôn 22:29). Sự tận tụy cùng sự xuất sắc không chỉ tôn vinh Chúa, nó còn khiến ta thành công, thịnh vượng và giá trị theo mọi nghĩa của từ này.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn có thấy mình hay đồng nghiệp, nhân viên hài lòng với khái niệm “thường thường bậc trung”, làm việc tối thiểu nào mà được mong đợi, chào đón không? Bạn đã nghĩ gì về điều đó?
2. Nghĩ đến việc theo đuổi sự xuất sắc ở nơi làm việc, ai, điều gì xuất hiện trong tâm trí bạn? Cách họ làm việc khiến họ nổi bật trong mắt bạn?
3. Kinh Thánh nói sự xuất sắc là tiêu chuẩn Chúa yêu cầu trong công việc của chính Ngài. Bạn có nghĩ sự xuất sắc cũng là điều Chúa mong đợi ở ta? Việc sẵn lòng chấp nhận tiêu chuẩn thấp hơn khả năng nói lên điều gì trong mối quan hệ giữa ta với Chúa?
4. Cách tiếp cận công việc theo kiểu “thường thường bậc trung”, qua ngày đoạn tháng so với theo đuổi sự xuất sắc ảnh hưởng thế nào đến ấn tượng của người khác về chúng ta?
Jim Mathis
(Nhà văn, nhiếp ảnh gia, chủ doanh nghiệp nhỏ ở Overland Park, Kansas. Quyển sách mới nhất của ông ‘The Camel and the Needle, A Christian Looks at Wealth and Money’. Từng quản lý quán cà phê và Giám đốc Điều hành CBMC tại Kansas City, Mỹ)
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Thảo Phạm biên tập | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Châm ngôn 10:4, 12:11,24, 13:4, 18:9; Cô-lô-se 3:17, 23-24; II Ti-mô-thê 3:16-17)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Trong tuần, hãy dành thời gian suy ngẫm, đánh giá thái độ, cách tiếp cận công việc của bạn. Bạn có nghĩ thay đổi là cần thiết, vì chúng liên quan đến chất lượng công việc? Có hữu ích không nếu hỏi một người bạn thân, một cố vấn đáng tin cậy về vấn đề này?
Một đồng nghiệp hay nhân viên của bạn được ích lợi từ quan điểm của bạn về việc theo đuổi sự xuất sắc trong bất cứ việc gì ta làm? Hãy dành thời gian để thảo luận điều này với họ một cách cởi mở, chân tình.