Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ này chiếm gần 1/2 tổng số người lao động – mức cao nhất mọi thời đại – trong năm thứ 2 liên tiếp. Chưa có dữ liệu nào được báo cáo năm 2024, nhưng có khả năng sẽ tương tự.
Điều này không quá ngạc nhiên. Nguyên nhân gây căng thẳng ở nơi làm việc có thể được tìm thấy khắp nơi. Bất ổn toàn cầu liên tục do nhiều nguyên nhân chắc chắn cũng sẽ tràn vào nơi làm việc. Tốc độ công nghệ phát triển ngày càng nhanh, dù có ích trong nhiều trường hợp, nhưng cũng gây căng thẳng khi con người cố gắng thích nghi với môi trường làm việc luôn thay đổi. Thêm các con số về thời hạn, chỉ tiêu bán hàng, họp hành liên tục, cạnh tranh để thăng chức… cũng là một trong vô số lý do.
Tệ hơn thế, con người có rất ít cách để giải quyết. Một số nơi trên thế giới đã có báo cáo về khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang gia tăng, khi không có đủ bác sĩ tâm lý và chuyên gia sức khỏe hành vi đủ trình độ để chăm sóc cho nhân viên. Vợ tôi, Kathy, và tôi đã trải qua điều này gần đây khi cố gắng tìm bác sĩ tâm lý mới, để giải quyết một số việc khẩn mà con chúng tôi đang đối diện. Chúng tôi phát hiện ra rằng thời gian chờ để được gặp bác sĩ chuyên khoa cho buổi hẹn đầu tiên là từ 9-12 tháng!
Nếu không thuộc trong số người đang phải chịu áp lực cao, bạn có thể nói: “Điều này liên quan gì đến tôi?”. Nhưng không, nó rất liên quan đến mệnh lệnh trong Lời Chúa “yêu người lân cận như chính mình” (Gia-cơ 2:8). Là “người chăn” ở nơi làm việc, ta cần nhạy cảm với các thách thức mà đồng nghiệp mình đối diện, phải quan tâm bởi lòng thương xót Chúa dạy.
Châm ngôn 27:23-27 dạy “Hãy biết thật rõ tình trạng bầy chiên của con…”, vì nguyên tắc vẫn rất rõ: Ta không chỉ chịu trách nhiệm về năng suất lao động của nhân viên, đồng nghiệp, mà còn phải làm mọi cách có thể để thúc đẩy phúc lợi của họ.
Điều này không có nghĩa ta phải trở thành nhà tâm lý hay nhà cố vấn nghiệp dư. Tuy nhiên, nếu thấy ai đó đang gặp rắc rối, đang vật lộn với căng thẳng… ta có thể dành ít phút hỏi thăm “Bạn thế nào rồi?”. Họ có thể nhanh chóng trả lời “Tôi ổn!”. Sau đó bạn có thể hỏi lại câu đó theo cách hơi khác một chút: “Bạn thực sự cảm thấy thế nào?”.
Nếu không cảm thấy thoải mái khi làm điều này hoặc bối cảnh không phù hợp, ta có thể nói chuyện với người khác, thảo luận về mối quan tâm của mình; nhân viên đó sẽ tiếp cận người ấy xem có thể hỗ trợ họ thế nào.
Ta có một ví dụ lý tưởng về thái độ của Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 9:36: “Khi thấy đoàn dân đông Ngài động lòng thương xót, vì họ khốn khổ, bơ vơ như chiên không có người chăn”.Những người chăn chiên có thể cho ta biết loài vật này rất yếu ớt, nếu không có sự chăm sóc đầy lòng yêu thương, trắc ẩn của người chăn, chúng rất dễ chết. Còn cách nào tốt hơn để thể hiện tình yêu thương và sự hiện diện của Chúa tại nơi làm việc hơn là tiếp cận với một người đang bị tổn thương, áp lực, căng thẳng?
Câu hỏi phản ánh/thảo luận
1. Theo bạn, có bao nhiêu phần trăm người bạn đang làm việc cùng bị căng thẳng?
2. Còn bạn thì sao? Bạn có thường xuyên cảm thấy căng thẳng ở nơi làm việc? Nếu có, nguyên nhân là gì, và bạn giải quyết thế nào?
3. Khi thấy một người bạn làm việc cùng hoặc một nhân viên báo cáo rằng họ đang phải vật lộn với áp lực, căng thẳng… bạn có nghĩ mình có nghĩa vụ, trách nhiệm tiếp cận họ? Tại sao có, tại sao không?
4. Điều gì cần cân nhắc khi tìm cách giúp một người đang bị căng thẳng? Đức tin nơi Chúa Jesus có thể tạo sự khác biệt thế nào trong cách ta đối phó với căng thẳng ở nơi làm việc, dù đó là căng thẳng ngắn hay dài hạn, không dễ giải quyết?
Rick Boxx
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân chuyển ngữ | Thảo Phạm biên tập | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Châm ngôn 18:24, 27:10; Phi-líp 4:6-9; Mác 12:30-31; Hê-bơ-rơ 10:24-25)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Trong tuần, hãy cố gắng quan sát nơi bạn làm việc và xác định bất kỳ ai có vẻ đang chịu nhiều căng thẳng. Bạn có thể cầu thay, động viên hoặc lắng nghe nếu họ sẵn sàng chia sẻ, thảo luận về những điều khiến họ phiền lòng. Có thể gợi ý để họ tìm được sự giúp đỡ nơi Chúa, nơi bác sĩ tâm lý…
Nếu người đang bị căng thẳng là bạn, đây có thể là thời điểm tốt để cầu nguyện, tìm kiếm sự chỉ dẫn của Chúa, chia sẻ nhu cầu và mối quan tâm của bạn với một hoặc vài người bạn đáng tin cậy. Nếu là thành viên CBMC, bạn có thể cởi mở chia sẻ gánh nặng của mình.