Thật không may, khi nghiên cứu cho thấy sự trân trọng, hiểu biết về giá trị của công việc đang giảm dần. Ví dụ một nghiên cứu của Gallup chỉ ra rằng sự gắn kết giữa nhân viên đã giảm xuống còn 32% vào năm 2022; nghĩa là hơn 2/3 số người lao động không muốn cam kết với công việc của mình.
Một trong số lĩnh vực, nhân viên không kết nối với sứ mệnh, mục đích của tổ chức. Làm việc không mục đích sẽ thật vô nghĩa, trong khi nhiều người mong muốn cảm thấy cuộc sống, công việc của mình ý nghĩa.
Chúng ta được Chúa tạo ra để phục vụ một mục đích thiêng liêng, ngay cả khi ta không hiểu kế hoạch của Ngài. “Đức Giê-hô-va dựng nên muôn vật đều có mục đích, ngay cả kẻ ác cũng là để dành cho ngày tai họa” (Châm ngôn 16:4). Đức Chúa Trời có mục đích cho công việc của bạn, ngay cả khi ông/bà chủ của bạn không thể định nghĩa rõ ràng cho bạn. Sự gắn kết, hài lòng trong công việc tăng lên khi ta có ý thức rõ ràng về mục đích, tiếng gọi của mình.
Mục đích thực sự của kinh doanh:
Năm 1989, nhà lãnh đạo Mục vụ Larry Burkett viết quyển sách có tên ‘Kinh doanh theo sách’. Khi giảng dạy tại Hội thảo của Burkett, tôi bắt đầu bằng nguyên tắc đơn giản nhưng sâu sắc: “Mục đích kinh doanh của bạn là tôn vinh Chúa”.
Hầu hết các chủ doanh nghiệp sẽ nói họ kinh doanh để kiếm tiền. Nhà kinh tế học Milton Friedman cũng nói: mục đích duy nhất của kinh doanh là kiếm tiền. Tuy nhiên, đối với người theo Chúa Jesus, kiếm tiền là sản phẩm phụ của mục đích, không phải là trọng tâm. “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 10:31)
Hiểu được ơn gọi của mình:
Mục đích của Chúa với mỗi người là tôn vinh Ngài. Nhưng để điều đó xảy ra, Chúa đã có kế hoạch và tiếng gọi cho mỗi người. Thật không may khi một số người tin rằng chỉ Mục sư, Nhà truyền giáo mới có tiếng gọi tâm linh. Câu chuyện về Bết-sa-lê-ên (Bezalel) nhanh chóng bác bỏ ý tưởng đó. Khi Chúa muốn xây dựng và trang bị đền tạm, Ngài đã không yêu cầu thầy tế lễ hay người Lê-vi – các nhà lãnh đạo tôn giáo – nhưng Ngài đã gọi đích danh Bết-sa-lê-ên – một người thợ thủ công.
Môi-se tuyên bố: “Nầy, Ta đã gọi đích danh Bết-sa-lê-ên, con trai của U-ri, cháu của Hu-rơ, thuộc bộ tộc Giu-đa. Ta đã cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời cùng với sự khéo tay, thông minh và hiểu biết trong lãnh vực thủ công mỹ nghệ để thiết kế và chế tạo các vật bằng vàng, bạc và đồng; khắc đá khảm ngọc, chạm gỗ thuộc lãnh vực thủ công mỹ nghệ” (Xuất Ai-cập ký 35:30-31)
Như Bết-sa-lê-ên, Chúa có một ơn gọi cho nghề nghiệp cụ thể mà Ngài đã và đang trang bị cho bạn để thực hiện vì Danh vinh hiển Ngài.
Sự kêu gọi thường theo từng giai đoạn:
Tất cả chúng ta đều có mục đích tôn vinh Chúa, và Ngài có ơn gọi dành riêng cho mỗi người. Tuy nhiên, bạn có thể đang đấu tranh để xác định ơn gọi của mình. Quan trọng là phải nhận ra rằng hầu hết thời gian, ơn gọi diễn ra theo từng giai đoạn. Để chuẩn bị cho Môi-se lãnh đạo dân Israel, Ngài đã để ông chăn cừu trong sa mạc trong 40 năm. Tương tự, hiện tại bạn có thể đang trong giai đoạn chuẩn bị cho ơn gọi của Chúa, hoặc bạn có thể đã có bông trái từ ơn gọi của mình.
Sứ đồ Phao-lô viết: “Vì chúng ta là công trình của Đức Chúa Trời, được dựng nên trong Đức Chúa Jesus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn để ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một con đường cho bạn. Có thể tham khảo ý kiến từ những người xung quanh và cầu nguyện để có sự sáng suốt cho con đường của bạn. Và đối với chúng ta, mỗi ngày đều có thể là Ngày Lao động.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Nếu có ai đó hỏi nhân viên hoặc đồng nghiệp của bạn tại sao doanh nghiệp bạn tồn tại, họ sẽ nói gì? Kiếm tiền có phải là mục đích đủ để điều hành một doanh nghiệp không? Tại sao có, tại sao không?
2. Bạn nghĩ phấn đấu tôn vinh Chúa qua doanh nghiệp của mình nghĩa là gì? Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ ví dụ nào bạn quan sát thấy?
3. Nhiều người tin rằng khái niệm “Ơn gọi” chỉ giới hạn ở những người làm công tác tôn giáo, tâm linh như Mục sư, Linh mục, Nhà truyền giáo? Bạn hiểu thế nào về ý nghĩa của việc có ơn gọi?
4. Ơn gọi của một người đôi khi đến theo thời gian, theo từng giai đoạn. Bạn đồng ý không? Khi xem xét ơn gọi của mình, bạn đang ở giai đoạn nào? Bạn có biết ơn gọi của mình là gì không, hay bạn nghĩ Chúa vẫn đang tiết lộ cho bạn?
Rick Boxx
(Nguồn: CBMC International | Lược dịch: Nguyên Ân | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Truyền đạo 3:9-13; I Cô-rinh-tô 3:9; Cô-lô-se 3:17, 23-24; II Ti-mô-thê 3:17)
THỬ THÁCH TRONG TUẦN
Có lẽ mục đích của doanh nghiệp và ơn gọi nghề nghiệp của một người không phải điều mới mẻ đối với bạn. Hoặc có thể đó là điều bạn chưa từng nghĩ trước đây. Hãy dành thời gian trong tuần để tự hỏi bản thân: “Mục đích của doanh nghiệp, tổ chức tôi đang tham gia là gì? Nó có vượt ra ngoài mục đích đơn thuần là lợi nhuận không?”.
Hãy cân nhắc ơn gọi của riêng bạn. Chúa đã thiết kế, trang bị cho bạn ân tứ gì một cách độc đáo, riêng biệt? Bạn nghĩ mình đang thực hiện ơn gọi đó, hay đang trong quá trình nhận ra? Hãy gặp gỡ ai đó, chia sẻ suy nghĩ chung của bạn về mục đích, ơn gọi.