Nhiều bộ phận trên cơ thể người mà ta sử dụng hiệu quả theo nhóm. Ta có thể nhìn bằng 1 mắt, nhưng 2 mắt giúp ta nhìn rõ, nhận thức sâu hơn. Ta sẽ nâng vật nặng khó khăn nếu chỉ dùng 1 tay; muốn vỗ tay ta cũng không thể dùng 1; ta cũng không thể chạy đua nước rút chỉ bằng 1 chân…
Vậy nên, không cần nghĩ quá nhiều ta cũng có thể thấy: “tốt hơn hết là làm việc theo nhóm”, trong kinh doanh, nghề nghiệp. Để học các kỹ năng khác nhau, phương pháp thầy và trò cũng đã chứng minh hiệu quả. Ngày nay, nhiều công ty sử dụng chiến lược “nhà cố vấn và học trò” để đào tạo, trang bị cho tài năng trẻ, triển vọng.
Các doanh nhân có thể thích tự làm chủ, nhưng nếu khôn ngoan, họ sẽ tìm một cố vấn đáng tin cậy cho các quyết định quan trọng. Bởi tất cả chúng ta đều có những ‘điểm mù’, có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống mình, ta có thể hưởng lợi từ việc có một hoặc nhiều đối tác chịu trách nhiệm – những người bạn đáng tin cậy quan tâm đến ta đủ để đặt ra những câu hỏi khó, đầy thách thức khi cần thiết.
Tôi rất ấn tượng khi Kinh Thánh khẳng định tầm quan trọng của làm việc theo nhóm 2 người. Bắt đầu từ đầu sách đầu tiên của Kinh Thánh, khi Đức Chúa Trời tuyên bố: “Con người ở một mình thì không tốt” (Sáng thế ký 2:18). Môi-se, A-rôn được Chúa dùng giải phóng dân Israel khỏi 400 năm nô lệ ở Ai Cập; rồi tiên tri Ê-li và người kế nhiệm Ê-li-sê để qua đó, Chúa thực hiện nhiều phép lạ lớn hơn. Trước khi trở thành vua Israel, Đa-vít đã được giúp đỡ rất nhiều từ người bạn Jonathan – con vua Sau-lơ.
Nguyên tắc này vẫn tiếp tục trong Tân Ước, khi Chúa Jesus phái các môn đồ mỗi nhóm 2 người đi truyền giáo. Sau khi cải đạo ngoạn mục từ kẻ bắt bớ sang tin nhận Chúa Jesus, Sau-lơ (Phao-lô) đã kết bạn cùng Ba-na-ba, Si-la, Ti-mô-thê, Tít…
Lẽ Thật về số 2
Hai người có thể tạo ra xung đột cần thiết: Là một nhà văn và biên tập viên, tôi thường phát hiện ra rằng làm việc với người khác giúp tôi tập trung hơn, cải thiện sản phẩm hơn, cho dù đó báo, tạp chí hay sách. “Sắt mài nhọn sắt, người này mài giũa diện mạo người kia” (Châm ngôn 27:17)
Hai người có thể bổ sung, giúp đỡ nhau khi cần: Trong cuộc sống, công việc, sẽ có những lúc chúng ta vấp ngã; nên có một người bạn có thể giúp đỡ là một lợi thế lớn. “Hai người hơn một, vì họ được công giá xứng đáng với công việc mình; nếu một người ngã, bạn có thể đỡ người ấy dậy. Nhưng thương thay cho người một mình, khi ngã sẽ không có ai đỡ dậy!” (Truyền đạo 4:9-10)
Hai người có thể cho nhau lời khuyên quan trọng: Trong sự nhiệt tình hay ngốc nghếch, ta có thể bị cám dỗ hành động hấp tấp, thiếu khôn ngoan. Có một cố vấn đáng tin cậy (hoặc hơn 1 người) có thể giúp ta tránh được những quyết định tai hại. “Hãy lắng nghe lời khuyên và đón nhận sự giáo huấn, để cuối cùng con được khôn ngoan” (Châm ngôn 19:20)
Câu hỏi phản ánh/thảo luận
1. Hãy nghĩ đến một số ví dụ về những thứ sẽ không hiệu quả nếu chỉ có một trong hai? Hãy xem xét các ví dụ từ cơ thể người, hoạt động thể thao hay những gì bạn quan sát trên thị trường?
2. Tại sao một số người thích làm việc một mình, sống tách biệt? Các cạm bẫy của cách sống này là gì?
3. Những người thành công trong kinh doanh, nghề nghiệp bạn nghĩ đến? Điều gì khiến họ thành công?
4. Có 1 cách để mài dao là cọ xát nó vào một lưỡi dao khác. Ta có thể mài giũa lẫn nhau theo cách tương tự, khi ta tìm cách phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp mình?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Châm ngôn 10:17, 12:15, 13:14, Truyền đạo 4:8; Phi-líp 4:9; II Ti-mô-thê 2:2)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Trong tuần này, hãy nghĩ về cách tiếp cận công việc của chính bạn? Một số người thích làm việc độc lập, số người khác thích làm việc với nhóm.
Nếu có xu hướng làm việc độc lập, bạn hãy cân nhắc cách tương tác với người khác để nâng cao hiệu suất, năng suất, ít nhất là hài lòng với công việc của chính bạn.
Trách nhiệm và lời khuyên sáng suốt là làm việc với ít nhất 1 người. Nếu bạn chưa có một người như vậy trong đời, hãy cầu nguyện, tìm kiếm một người có thể trở thành “người mài sắt” cho bạn.