Dù biết cảm xúc đó bộc phát, vô lý, vượt quá giới hạn, nhưng chúng tôi là anh em trong Chúa, nên tôi cần tìm cách giải quyết. Tôi khẳng định mình không làm gì sai, rồi bày tỏ, giải thích rằng có thể anh đã hiểu chưa đúng nội dung email… Sau khi trao đổi về những điều sai lệch, gây hiểu lầm và kèm theo lời xin lỗi, chúng tôi đã làm hòa với nhau.
Dù vậy, việc này vẫn đọng lại trong tôi một thời gian, rằng làm sao để tránh mọi thứ rắc rối trước khi nó bắt đầu? Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo, nên xung đột ngoài ý muốn chắc chắn nảy sinh, dù ta cố gắng đến mức nào. Và tôi cảm nhận được Chúa đang nhắc nhở tôi về thời thơ ấu, khi tôi và anh trai thường xuyên cãi nhau vì những điều không quan trọng. Tôi nhớ bao lần mẹ đã khôn khéo yêu cầu chúng tôi xin lỗi, bắt tay nhau, nối lại mối quan hệ…
Khi nghiên cứu Kinh Thánh và sự khôn ngoan của Lời Chúa trên thương trường thế kỷ 21, tôi phát hiện rằng một trong số chủ đề trọng tâm của Phúc Âm là các mối quan hệ: giữa ta với Chúa, giữa ta với người khác; ở nơi làm việc, ở nhà… Dưới đây là một số nguyên tắc xử lý xung đột theo Lời Chúa:
+ Tha thứ không tùy hứng:
Ta thường nghĩ nếu ai làm sai với ta, nếu họ muốn được tha thứ, ta có thể miễn cưỡng tha thứ hoặc không. Nhưng đó không phải tiêu chuẩn Chúa Jesus đặt ra cho người theo Ngài. Ngài phán: “Nhưng nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng sẽ không tha thứ cho các con” (Ma-thi-ơ 6:15)
+ Mọi tranh chấp cần được giải quyết nhanh chóng:
Nếu không, xung đột sẽ leo thang thành ra lớn hơn, biến đồi trọc thành núi cao chót vót. Cần giải quyết vấn đề ngay lập tức, không tránh né. “Trong cơn giận, đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà vẫn còn giận” (Ê-phê-sô 4:26)
+ Kiêu ngạo có thể là trở ngại lớn trong giải quyết xung đột:
Một nguyên tắc cần tuân theo: mối quan hệ quan trọng hơn việc xác định ai đúng ai sai. Khiêm tốn dẫn đến tha thứ, hòa giải – phương thuốc hiệu quả cho tính kiêu ngạo. “Anh em bị xúc phạm còn cứng cỏi hơn thành kiên cố, và sự tranh chấp giống như cổng thành có then cài” (Châm ngôn 18:19)
Một người khôn ngoan nhận xét: “Ta không thể ngăn chim bay qua đầu, nhưng có thể ngăn chúng làm tổ trên tóc mình!”. Trong kinh doanh, việc hiểu lầm có thể gây tổn thương, nhưng sẵn sàng đề nghị, tìm kiếm sự tha thứ sẽ mang lại chữa lành.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn có thể nghĩ về một trải nghiệm gần đây, khi có hiểu lầm hoặc thông tin sai lệch, dẫn đến phản ứng nóng nảy giữa bạn và người khác? Bạn đã giải quyết thế nào? Bạn nghĩ nó được giải quyết đúng cách?
2. Bạn nghĩ gì về việc nỗ lực giải quyết tranh chấp với các cá nhân khác, ngay cả khi bạn chắc chắn mình không phải nguyên nhân? Sự kiêu ngạo có thể gây trở ngại cho việc giải quyết xung đột thế nào?
3. Bạn thấy việc tha thứ cho người xúc phạm, đối xử sai trái với mình dễ hay khó? Bạn có đồng ý với nhận định: các mối quan hệ quan trọng hơn việc xác định ai đúng ai sai? Tại sao có, tại sao không? Bạn cho một ví dụ?
Rick Boxx
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Biên tập: TP. | Ảnh: Pixabaym | Xem thêm: Châm ngôn 14:29, 17:27, 20:3, 26:20-21, 29:11; Mác 11:25; Lu-ca 11:4; II Cô-rinh-tô 2:9-11)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Hãy xem xét cách bạn thường phản ứng, khi ai đó khiêu khích bạn trong cơn tức giận?
Bị hiểu lầm hoặc nói điều gì đó bị hiểu sai có thể gây tổn thương, khiến ta trở nên phòng thủ?
Có thay đổi nào bạn cần thực hiện? Nếu có, hãy tìm một người bạn, người cố vấn đáng tin cậy và trao đổi về cách bạn có thể giải quyết xung đột hiệu quả hơn, đặc biệt khi vấn đề đó không chính đáng.