Sau khi chờ đợi, bạn được đưa đến một căn phòng, ngồi vào chỗ khám, và một cuộc ‘tổng kiểm tra’ bắt đầu! Dù triệu chứng của bạn là gì, bạn luôn được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe tổng thể với các bước cơ bản sau: đo nhiệt độ, huyết áp, tim mạch… nhằm cung cấp cho bác sĩ một cái nhìn tổng quan về sức khỏe của bạn.
Bốn chữ ‘P’
Trong thế giới kinh doanh và nghề nghiệp, ta thường thấy ‘4 chữ P’ (Product, People, Process & Profit – Sản phẩm, Con người, Quy trình và Lợi nhuận) – tương tự các chỉ số quan trọng mà bác sĩ quan tâm mỗi khi bạn khám sức khỏe.
Tương tự như nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim… giúp bác sĩ có được bức tranh toàn diện về sức khỏe tổng quan của bạn; ‘4 chữ P’ giúp các nhà tư vấn, các chuyên gia biết về tình trạng sức khỏe tổng thể của doanh nghiệp bạn.
Và dù đó là gì, doanh số sụt giảm, nguy cơ phá sản sắp xảy ra… nếu biết sớm cái gì không ổn, ta cần khám phá sâu hơn để ‘chữa trị’.
Thực tế, ‘4 chữ P’ luôn là điểm để tôi xem xét, thảo luận, nhận định trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình. Và khi làm việc với một lãnh đạo, một tổ chức đang mong phát triển, tôi đều dành thời gian ‘kiểm tra sức khỏe’ và độ bền của từng chữ ‘P’ một.
Chữ P thứ 5 – sức mạnh của ‘mục đích’
Tuy nhiên, nhiều năm qua, tôi đã có sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận vấn đề. Tôi vẫn làm việc với ‘4 chữ P’ truyền thống, nhưng các yếu tố đó giờ chỉ còn giữ vị trí thứ 2 trong việc xem xét, nghiên cứu. Bên cạnh đó, tôi còn sử dụng thêm ‘chữ P thứ 5’ – Purpose – Mục đích.
Vì mục đích liên quan đến ‘lý do’ (Reason), vượt qua cả ‘cái gì’ (What) và ‘như thế nào’ (How), đi đến điều gì đó sâu sắc hơn.
Mục đích phải là điểm khởi đầu – điểm ‘neo’ của chúng ta. Một cách khác để nghĩ về mục đích là đặt câu hỏi: “Tại sao tổ chức của bạn tồn tại? Lý do để nó tồn tại là gì?”…
Bạn có thể trả lời các câu hỏi này? Bạn đã xem xét chúng chưa? Dù câu trả lời của bạn là gì, nó không chỉ liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hay lợi nhuận; mà còn nắm bắt được bản chất của điều gì thúc đẩy bạn làm việc, và làm việc tốt hơn nữa.
‘Mục đích’, khi được quan niệm đúng đắn, sẽ là động lực mạnh mẽ để hình thành tổ chức. Nó cho biết cách bạn phát triển sản phẩm, xây dựng quy trình, phát triển con người. Nó thậm chí hướng dẫn cách bạn nghĩ và sử dụng lợi nhuận của mình.
Không giống các chữ ‘P’ khác, ‘mục đích’ có khả năng tồn tại lâu dài. Thị trường có thể buộc bạn thay đổi sản phẩm; công nghệ có thể khiến bạn thay đổi quy trình; các thay đổi nhân khẩu học có thể quyết định cách tiếp cận lao động của bạn… Mục đích không chỉ tồn tại lâu hơn những điều này, mà còn định hình phản ứng của bạn trước chúng.
Là người theo Chúa Jesus, bạn có thể coi đó là “một khía cạnh của sự hy sinh”, bắt đầu bằng việc phục vụ Chúa, sau là phục vụ người khác.
Lời Chúa chép: “Bất cứ việc gì anh em làm, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Ngài” (Cô-lô-se 3:23-24). Mục đích của ta nên bắt đầu bằng việc dùng các ân tứ, khả năng mình để làm vinh hiển Chúa.
Nếu muốn trở nên hữu ích với tư cách là “đại sứ của Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 5:20), cần cố gắng phân biệt mình với các đối thủ cạnh tranh không có Chúa, không cam kết bước theo Ngài. Các quyết định, hành động của ta phải được thực hiện dưới mệnh lệnh của Chúa: “sự sáng các con hãy chiếu trước mặt người ta, để họ thấy những việc lành của các con mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Chúng ta còn có thể có mục đích nào lớn hơn?
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn từng đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe: huyết áp, nhiệt độ, tim mạch…? Bạn nghĩ gì nếu bác sĩ không làm các bước xét nghiệm quan trọng đó?
2. Bạn nghĩ gì về ‘4 chữ P’ (sản phẩm, con người, quy trình & lợi nhuận)? Có phải đó cũng là cách bạn, doanh nghiệp bạn dùng để đo lường, xem xét, đánh giá công ty, tổ chức mình hoạt động thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phát hiện điểm yếu trong 1 hoặc nhiều lĩnh vực khi đã được xem xét, đánh giá tổng thể của công ty, tổ chức?
3. Bạn nghĩ các công ty khác có đưa ‘chữ P thứ 5’ (Mục đích) vào đánh giá hiệu suất định kỳ của họ? Bạn xác định hoặc mô tả mục đích của công ty bạn thế nào? Bạn có nghĩ điều đó là rõ ràng với tất cả những ai tham gia vào tổ chức? Giải thích câu trả lời của bạn?
4. Đối với Cơ đốc nhân, đặc biệt là những người có ảnh hưởng, có ý kiến cho rằng một phần quan trọng trong mục đích chung của họ là tôn vinh Chúa, mang vinh hiển về cho Đức Chúa Trời và phục vụ tha nhân như một nhân chứng tích cực cho Chúa và Phúc Âm? Bạn đồng ý điều này? Tại sao có, tại sao không?
Tiến sĩ Stephen R. Graves
(Tác giả, diễn giả, nhà tổ chức, chiến lược, nhà Thần học thực dụng và nhà tư bản xã hội; chuyên tư vấn cho các CEO, chủ doanh nghiệp và doanh nhân trẻ; tác giả của nhiều đầu sách, bài báo…)
(Nguồn: CBMC International | Khương An lược dịch | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Thi Thiên 37:3-6; Châm ngôn 3:5-6; Ma-thi-ơ 6:19-21,33; I Cô-rinh-tô 10:31; Cô-lô-se 3:17)
THÁCH THỨC:
Là người theo Chúa Jesus, đức tin ảnh hưởng đến cách làm việc của bạn thế nào? Nếu xem đây là lĩnh vực cần nỗ lực, dù chuyên môn hay cá nhân, bạn có thể nhờ ai hỗ trợ, hướng dẫn các quyết định, hành động theo cách tôn vinh Danh Chúa? Hãy cân nhắc việc đặt ra thời gian, địa điểm cụ thể để có thể thảo luận về vấn đề này.