Và tôi cũng hơi choáng váng vì thấy có những người khoẻ mạnh mà không muốn đi làm, thích xếp hàng nhận phúc lợi xã hội, nhận đồ ăn, đồ cũ… của các tổ chức từ thiện.
Khi trò chuyện với một giáo sư ở Đại học quốc tế Monaco, ổng nói nên hiểu ‘Quy tắc Pareto 20-80’; người tài, người chăm chỉ, người may mắn, người có đạo đức, người tích cực chỉ chiếm 20% dân số. Họ có cuộc sống khác biệt với người kém tài, lười biếng, tiêu cực… vốn chiếm tới 80%.
Bất cứ xã hội nào từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều có tỷ phú, trung phú, tiểu phú, người bình thường, người nghèo, người vô gia cư, đó là sự công bằng, đúng hơn là sự cân bằng tự nhiên.
Người giàu sẽ tái phân phối thu nhập cho người nghèo, cho đi lòng bác ái một cách tự nguyện. Vào trường cũng sách cũng vở, cũng giảng viên y chang, nhưng năng lực tiếp thu và sự chăm chỉ sẽ cho ra kết quả khác nhau. Ai giờ cũng có điện thoại kết nối mạng, ngày có 24 tiếng, nhưng người dùng đọc kiến thức làm ăn, học ngoại ngữ… người dùng giải trí với game, video, tiktok…. Cách họ dùng thời gian một cũng ngày là cách họ dùng thời gian một đời.
Về quy tắc Pareto ở doanh nghiệp, 20% nhân viên tài năng, chăm chỉ sẽ mang về 80% doanh thu, lợi nhuận. Và 20% này phải có thu nhập cao hơn hơn 80% còn lại, nên doanh nghiệp phải cho ra cái khung, càng làm được nhiều càng hưởng nhiều chứ không bình quân hoá.
Người thu nhập thấp phải hiểu rõ mình chưa được như người ta là do mình. Các hiệp sĩ thời phong kiến ‘lấy của người giàu chia cho dân nghèo’ là tào lao, là bất lương, tiêu cực. Người làm ăn, giàu có phải chăm chỉ và tư duy đúng mới giàu, người nghèo do tư duy sai sao đó mới nghèo. Xã hội phải có tỷ phú thì người nghèo mới nhìn thấy cái mốc mà phấn đấu. Có học sinh xuất sắc, thành tích, thành tựu, thì học sinh dở mới chăm chỉ học hành nếu muốn được như vậy. Đã ca ngợi học sinh giỏi thì cũng phải ca ngợi người làm ăn, giàu có.
Công bằng chứ đừng cào bằng. Trong công việc, nếu không áp dụng Pareto mà bình quân hoá thì người tài sẽ rời đi vì chán, còn người kém tài, lười biếng thì ngồi miết đó.
Tony Buổi sáng
(Ảnh: Pixabay)
Muối & Ánh sáng
Lời Chúa trong Châm ngôn chép:
+ Người làm ít, mơ mộng nhiều: “Sự ước ao của kẻ biếng nhác giết chết nó; bởi vì hai tay nó không khứng làm việc” (21:25)
+ Người hay đổ thừa hoàn cảnh: “Kẻ biếng nhác nói có con sư tử ngoài đường phố” (26:13)
+ Người lãng phí thời gian, năng lượng: “Kẻ thả trôi công việc mình cũng là anh em của kẻ phá hại” (18:9)
+ Người tin mình khôn ngoan nhưng không gặp thời: “Kẻ biếng nhác tự nghĩ mình khôn ngoan hơn bảy người đáp lại cách có lý” (26:16)