Ý tưởng về một cuộc sống kỷ luật luôn hấp dẫn, đặc biệt khi những người theo đuổi các mục tiêu quan trọng thường có tính kỷ luật cao. Họ phấn đấu để đạt được sự xuất sắc trong công việc, họ bị ám ảnh bởi việc đạt thành tích tốt nhất…
Các vận động viên xuất sắc là ví dụ điển hình. Cuộc sống kỷ luật của họ là cần thiết để đạt được khả năng thực sự. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nhưng tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi giảng dạy cho người khác, mà chính mình lại bị loại bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:27)
Nhiều ngành nghề đã áp dụng, thiết lập các tiêu chuẩn kỷ luật đặc biệt. Trở nên tốt không phải là ‘đủ tốt’ với nhiều người, nhưng trở thành người giỏi nhất, hoặc một trong số người giỏi nhất trong nghề nghiệp đã chọn.
Có kỷ luật nghĩa là tận tâm với cuộc sống, cam kết với mục tiêu đang theo đuổi. Trong nhiều năm theo Chúa với mong muốn gắn kết đức tin với thực tế công việc kinh doanh, điều này đòi hỏi việc đặt niềm tin vào Chúa lên hàng đầu, lên trên nhu cầu của người khác, của chính mình. Tôi đã học được rằng điều này không thể xảy ra cách tự nhiên, bởi vì bản chất của con người có xu hướng ngăn trở. Nó đòi hỏi sức mạnh siêu nhiên, một cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc sống với Chúa, từ trong sâu thẳm. Sự thay đổi này bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng sự biến đổi tâm linh tôi vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Để đạt được sự xuất sắc trong nghề nghiệp, trong đời sống Cơ đốc đòi hỏi tính kỷ luật cao, tận tâm vì Đấng Christ, vượt lên trên việc theo đuổi nghề nghiệp mình. Điều này áp dụng cho các CEO, quản lý bộ phận, đại diện bán hàng, nhân viên bảo trì… bất kể làm gì, nếu hết lòng vì Chúa, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách ta tiếp cận cuộc sống và công việc.
Trong Thi Thiên 86:1-4, vua Đa-vít cầu nguyện: “Đức Giê-hô-va ôi! Xin nghiêng tai nhậm lời con, vì con đang khốn cùng và thiếu thốn. Xin bảo vệ linh hồn con, vì con là người trung tín; Đức Chúa Trời của con ôi! Xin cứu đầy tớ Chúa, là người vẫn tin cậy Ngài. Chúa ôi! Xin thương xót con, vì hằng ngày con kêu cầu Ngài. Xin làm cho linh hồn đầy tớ Chúa được vui mừng vì Chúa ôi! Linh hồn con ngưỡng vọng Chúa”. Bạn có cảm nhận được sự cống hiến, tận tâm của Vua Đa-vít?
Là doanh nhân hoặc người có chuyên môn, bạn có mong muốn làm hài lòng Chúa qua công việc mình? Hãy cân nhắc việc sống kỷ luật để làm hài lòng Ngài. Trong hầu hết các trường hợp, Chúa không mong đợi ta phải sống trong tu viện, từ bỏ thế gian. Nhưng điều yêu cầu là ta phải đặt Ngài lên hàng đầu, và đặt người khác trên nhu cầu của chính mình.
Nhưng dù ta có kỷ luật đến đâu, thỉnh thoảng vẫn cứ trượt dốc vì cám dỗ. May thay, Chúa Jesus hứa cho phép ta quay trở lại con đường Ngài muốn ta theo đuổi. “Những sự cám dỗ đến với anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Và Chúa là thành tín; Ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức chịu đựng. Nhưng trong mọi sự, Ngài cũng sẽ mở lối để anh em có thể đứng vững” (I Cô-rinh-tô 10:13)
Vậy nên, bạn yêu dấu, hãy chạy trốn khỏi mọi hình thức thờ hình tượng. Hỡi những người nhạy cảm; hãy tự đánh giá những gì tôi nói, hãy kỷ luật và tận tâm.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn định nghĩa từ “kỷ luật” thế nào? Khi nghe qua, bạn hiểu theo nghĩa tích cực hay tiêu cực? Giải thích câu trả lời của bạn?
2. Bạn nghĩ thế nào là đời sống kỷ luật? Bạn có nghĩ hiện bạn đang sống kỷ luật? Tại sao có, tại sao không? Hãy nghĩ đến một người bạn biết hoặc một người bạn từng nghe nói đến đã sống một cuộc sống thực sự kỷ luật? Điều gì nổi bật ở người đó?
3. Bạn nghĩ làm thế nào để tinh thần kỷ luật có thể áp dụng vào đời sống và công việc? Bạn có nghĩ nên kết nối giữa công việc và kỷ luật? Tại sao có, tại sao không?
4. Nếu ai đó xác định họ chưa có kỷ luật trong hầu hết các lĩnh vực, bạn nghĩ họ có thể thực hiện các bước đầu tiên nào để phát triển tính kỷ luật?
Jim Langley
(Nguồn: CBMC International // Khương An lược dịch // Ảnh: Pixabay)
Xem thêm: Phục truyền 5:28-29; Châm ngôn 21:5; Ma-thi-ơ 22:34-40; Giăng 21:18-19; II Ti-mô-thê 3:16-17
THÁCH THỨC:
Bạn đánh giá cuộc sống mình về mặt kỷ luật thế nào? Nếu không nghĩ bạn đang ở nơi mình muốn, bạn có thể làm gì hôm nay để bắt đầu nuôi dưỡng cuộc sống kỷ luật hơn trong công việc, nghề nghiệp cá nhân và tinh thần? Bạn biết ai có thể giúp bạn phát triển kỷ luật tốt hơn? Nếu cho rằng mình là người khá kỷ luật, thì ai có thể hưởng lợi từ trải nghiệm của bạn?