Bạn có thể lao động chân tay cả ngày dù không mấy thú vị, nhưng khi trở về nhà mệt mỏi và biết rằng mình đã hoàn thành một công việc có ích, đó có thể là phần thưởng của riêng bạn.
Trong những năm qua tôi đã làm nhiều việc khác nhau, tham gia nhiều loại hình kinh doanh… Nhưng hóa ra đó là những thứ giết chết niềm vui, nên tôi quyết tâm thoát khỏi nó càng nhanh càng tốt. Và công việc mà tôi thấy thú vị nhất là bất cứ điều gì cho phép tôi đóng góp vào cuộc sống của người khác.
Hiện tại, tôi dành phần lớn thời gian để phục hồi những bức ảnh cũ. Điều này rất bổ ích, đặc biệt vì tôi không chỉ thích công việc, mà còn thích nghe câu chuyện của mọi người đằng sau những bức ảnh của họ. Tôi cũng chụp rất nhiều ảnh chân dung. Tôi yêu mọi người và thấy vui khi giúp họ trông đẹp nhất.
Tôi cũng có một công việc thời vụ là chuyên gia thuế, chuẩn bị tờ khai thuế thu nhập cho mọi người. Việc ngồi lại với họ, làm quen, giúp đỡ họ trong việc nộp thuế hàng năm rất đáng giá; được hướng dẫn mọi người qua một quá trình có thể rất khó hiểu.
Trong nhiều năm, tôi cũng quản lý một quán cà phê địa phương, không chỉ cho phép mọi người thưởng thức đồ uống yêu thích, mà còn tạo ra một môi trường để họ có thể thư giãn, tương tác với người khác theo các cách ý nghĩa, thậm chí thay đổi cuộc sống họ.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi lại vướng vào một việc gì đó ban đầu nghe có vẻ hay ho, nhưng chẳng bao lâu tôi nhận ra nó sai lầm. Lẽ ra tôi có thể ở lại, cảm thấy đau khổ hoặc quyết định ra đi ngay khi có cơ hội.
Việc lựa chọn thực hiện một số cam kết hay thoát khỏi tình huống đó càng sớm càng tốt có thể khó thực hiện. Đôi khi ta có thể “cười và chịu đựng”, vượt qua nó một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, tốt nhất nên nhận ra một tình huống không thể thắng và cúi đầu một cách thân thiện nhất có thể, nếu ta thấy nó cướp đi niềm vui, sự bình yên, tình yêu hoặc khiếu hài hước của ta. Dưới đây là một số nguyên tắc từ Kinh Thánh, rất hữu ích cho việc đánh giá các quyết định khó khăn như vậy:
Chúa tạo ra công việc vì lợi ích của ta
Một số người coi công việc là “điều xấu cần thiết”, nhưng ngay từ đầu Chúa đã ấn định công việc để cung cấp nhu cầu hàng ngày của ta, cho ta cảm giác ý nghĩa, thỏa mãn. “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất. Đức Chúa Trời lại phán: Nầy, Ta sẽ ban cho các con mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, cùng mọi loài cây ra trái có hạt. Đó sẽ là thức ăn cho các con” (Sáng thế 1:28-29)
Sự nổi loạn của con người khiến công việc trở nên khó khăn. Sự bất tuân của A-đam, Ê-va qua việc ăn trái cấm đã gây ra hậu quả, khiến công việc trở nên khó khăn, thử thách hơn. “Ngài phán với A-đam: Vì con đã nghe theo lời vợ, ăn trái cây mà Ta đã ra lệnh cấm ăn, nên đất đai sẽ vì con mà bị nguyền rủa; con phải khổ nhọc suốt đời mới có miếng ăn từ đất sinh ra. Đất sẽ sinh gai góc và cây tật lê, và con sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng ruộng” (Sáng thế 3:17-18)
Công việc sẽ được khen thưởng khi thực hiện vì lý do đúng đắn. Công việc có thể vui vẻ, bổ ích nếu ta nhận ra cuối cùng ta làm việc cho ai, và Chúa đã trang bị cho ta khả năng, ân tứ nhất định. “Bất cứ làm việc gì, hãy làm hết lòng, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bất kể công việc nào, sẽ luôn có một số điều ta không thích. Có câu: “Nếu bạn làm việc mình yêu thích, bạn sẽ không bao giờ phải ‘làm việc’ một ngày nào trong đời”. Bạn có tìm thấy niềm vui, sự thỏa mãn trong công việc đang làm? Giải thích câu trả lời của bạn?
2. Nếu nhận thấy công việc, nghề nghiệp hiện tại không mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ, thỏa mãn như mong muốn, bạn có các lựa chọn nào? Nếu rời bỏ công việc hiện tại không phải là một trong số lựa chọn đó, bạn có thể làm gì để khiến công việc của mình ý nghĩa hơn?
3. Mathis viết rằng công việc anh cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn nhất là tương tác với người khác và phục vụ họ, làm lợi cho họ? Làm sao để có thể tiếp cận công việc của mình theo cách tương tự: tập trung vào các dịch vụ có thể cung cấp cho người khác?
4. Theo bạn, “như làm cho Chúa, chứ không phải cho người ta” trong Cô-lô-se 3:23 có nghĩa gì?
Jim Mathis
(Nhà văn, nhiếp ảnh gia, chủ doanh nghiệp nhỏ ở Overland Park, Kansas, Mỹ. Cuốn sách mới nhất của ông ‘Con lạc đà và cây kim’ – Cơ đốc nhân nhìn vào sự giàu có và tiền bạc. Ông từng quản lý quán cà phê và Giám đốc điều hành CBMC tại Kansas)
Nguồn: CBMC International // Khương An lược dịch // Ảnh: Pixabay
Xem thêm: Châm ngôn 18:9; Truyền đạo 2:24-26, 3:22 5:18-19; Ê-phê-sô 6:5-7; Cô-lô-se 3:17,24)
THỬ THÁCH
Nếu bạn thấy công việc của mình đang “đánh cắp niềm vui của bạn”, bạn có thể đến gặp ai và thảo luận về vấn đề này, tìm kiếm sự khôn ngoan để biết cách sử dụng khả năng và ân tứ Chúa ban để phục vụ Ngài và người khác một cách có ý nghĩa? Nếu bạn thấy nhiều niềm vui trong công việc của mình, hãy cầu nguyện về cách bạn có thể khích lệ một cá nhân cụ thể hiện chưa có được trải nghiệm đó.