Tạp chí chuyên về thương trường Harvard Business Review đã đề cập vấn đề này trong một ấn bản riêng, với các khuyến nghị tập trung vào tầm quan trọng của việc thiết lập các tiêu chuẩn làm việc lành mạnh. Thật thú vị khi mỗi điều trong số đó đều được khẳng định bởi các nguyên tắc được dạy trong ‘Quyển sách kinh doanh’ rất cổ có tên là Kinh Thánh.
Dưới đây là 3 lời khuyên dành cho giới lãnh đạo, có thể giúp các đội ngũ làm việc tận hưởng các ranh giới lành mạnh, để không chỉ giúp tăng năng suất, mà còn đem lại mức độ hài lòng, thỏa mãn cao hơn ở nơi làm việc.
1. Lãnh đạo làm gương
Khi thời hạn sắp đến hoặc đối diện rủi ro… bạn rất dễ quên rằng nhân viên, đồng nghiệp của mình còn có cuộc sống bên ngoài văn phòng. Thế nên cần xem xét nghiêm túc tác động tiêu cực của các việc kiểu như gửi email cho nhân viên lúc đêm khuya, giao việc vào giờ họ nghỉ trưa… Nên thành thật xét xem mình sẽ phản ứng thế nào nếu ai đó đòi hỏi quá đáng thời gian, không gian riêng tư của mình sau giờ làm việc.
Ngày nọ, sau khi phục vụ các môn đồ, Chúa Jesus phán: “Vì Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Ta đã làm cho các con” (Giăng 13:15). Ngài không mong họ làm điều gì mà Ngài không sẵn lòng làm gương trước.
2. Có kế hoạch làm thêm giờ mỗi tuần
Nhiều người khá lạc quan khi cam kết hoàn thành các dự án đúng tiến độ một cách chưa hợp lý. Vì vậy các lãnh đạo nên khuyến khích nhân viên dành thêm thời gian mỗi tuần để thực hiện những công việc còn dang dở.
Đức Chúa Jesus phán cùng đám đông tụ tập quanh Ngài: “Ai trong các ngươi muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi tính phí tổn để biết mình có đủ tiền hoàn thành nó chăng? Nếu không, khi đã xây nền rồi mà lại không làm xong được thì mọi người thấy sẽ chê cười” (Lu-ca 14:28-29)
3. Tăng tính minh bạch của khối lượng công việc
Cần thường xuyên kiểm tra xem nhân viên cảm thấy thế nào về khối lượng công việc; lắng nghe họ, sẵn sàng phản hồi theo cách có thể giúp họ giảm các gánh nặng không cần thiết. Châm ngôn 27:23-26 khuyên: “Hãy biết thật rõ tình trạng bầy chiên của con và lưu tâm đến các đàn gia súc; vì sự giàu có không tồn tại mãi, và mão miện cũng không còn đến đời đời. Cỏ khô mất đi, cỏ non lại mọc ra, người ta thu nhặt rau cỏ trên núi. Lông chiên sẽ cung cấp áo quần cho con, dê đực là giá mua đồng ruộng”.
Những làm việc cùng ta là vô giá, thế nên cần quan tâm đến sức khỏe của họ. Đội ngũ làm việc của bạn có ‘ranh giới công việc lành mạnh’ không? Hãy giúp họ thực sự được nghỉ yên trong thời gian riêng của họ. Lời Chúa chép: “Vì ai bước vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy” (Hê-bơ-rơ 4:10). Ngay cả Đức Chúa Trời cũng cần nghỉ ngơi sau 6 ngày làm việc, thì con người càng cần làm vậy nhiều hơn.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Mô tả môi trường làm việc của bạn? Nó có lành mạnh hay áp lực không ngừng để hoàn thành các dự án, mục tiêu? Giải thích câu trả lời của bạn?
2. Các dấu hiệu dễ nhận thấy của môi trường làm việc không lành mạnh? Nếu có, làm sao để điều này được những người có thẩm quyền chú ý?
3. Có ý kiến cho rằng lãnh đạo nên làm gương trong việc thúc đẩy thói quen làm việc lành mạnh. Bạn có đồng ý rằng lãnh đạo cấp cao phải chịu trách nhiệm? Nếu có, bạn nghĩ mức độ phổ biến của việc lãnh đạo làm vậy là bao nhiêu?
4. Bạn có nghĩ ‘sự minh bạch về khối lượng công việc’ khuyến khích nhân viên bày tỏ những lo lắng của mình một cách cởi mở, trung thực? Tại sao có, tại sao không?
Thách thức
Cho dù có nắm giữ các vị trí, chức vụ quan trọng hay không, tất cả chúng ta đều có thể tạo ảnh hưởng tích cực tại nơi làm việc. Thường thì rất khó để thay đổi một mình, nên bạn có ai đó hỗ trợ cho nỗ lực cải thiện môi trường làm việc? Lời Chúa chép: “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình” (Truyền đạo 4:9)
Rick Boxx
(Nguồn: CBMC International // Thảo Phạm lược dịch // Ảnh: Pixabay
Xem thêm: Châm ngôn 24:27; Ê-xê-chi-ên 34:12; Ma-thi-ơ 7:12, 22:39; Lu-ca 6:21; I Phi-e-rơ 2:21)