Bởi cuộc sống là chuỗi những vấn đề đòi hỏi ta phải giải quyết, không vấn đề nào giống vấn đề nào, cũng không có công thức chung cho mọi vấn đề. Quan trọng là ta phải tự trang bị cho mình hành trang cần thiết để khi vấn đề nảy sinh, ta có thể vận dụng kỹ năng để giải quyết chúng hiệu quả nhất.
Để giải quyết vấn đề, cơ bản có các bước sau:
1. Nhìn nhận & phân tích:
Trước khi giải quyết vấn đề, nên xem xét nó có thật sự là vấn đề bằng cách tự hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra nếu…?; giả sử việc này không thực hiện được thì…? Không nên lãng phí thời gian, sức lực vào giải quyết vấn đề không quan trọng hoặc nó có thể tự biến mất.
2. Xác định chủ sở hữu vấn đề:
Không phải tất cả các vấn đề đều phải do chính bạn giải quyết. Nếu bạn không có quyền hạn, năng lực giải quyết, tốt nhất chuyển vấn đề đó sang cho người khác. Nên nhớ: “Nhiệt tình + thiếu hiểu biết = phá hoại!”.
3. Hiểu vấn đề:
Chưa hiểu rõ nguồn gốc vấn đề sẽ dễ giải quyết sai lệch. Việc “bắt không đúng bệnh” sẽ chỉ trị triệu chứng, không trị được bệnh, “tiền mất, tật mang”.
Nên dành thời gian để lấy thông tin cần thiết. Mô tả ngắn gọn vấn đề, nó ảnh hưởng gì? Nó xảy ra ở đâu? Được phát hiện khi nào? Nó có gì đặc biệt? Cần tự hỏi:
+ Tính chất của vấn đề (khẩn cấp, quan trọng)?
+ Yêu cầu, chỉ thị của cấp trên?
+ Nguồn lực để giải quyết?
+ Vấn đề có thuộc quyền giải quyết của mình?
+ Bản chất của vấn đề?
+ Các đòi hỏi của vấn đề?
+ Mức độ khó/dễ của vấn đề?
4. Chọn giải pháp:
Đưa ra nhiều giải pháp để lựa chọn. Yếu tố sáng tạo sẽ giúp nhà quản lý tìm được giải pháp hơn cả mong đợi. Giải pháp tối ưu cần đáp ứng 3 yếu tố: giải quyết vấn đề một cách dài lâu, tính khả thi và tính hiệu quả.
5. Thực thi:
Khi tin mình đã hiểu và biết cách giải quyết, hãy bắt tay vào hành động. Để đảm bảo hiệu quả, cần phải xác định người liên quan, người chịu trách nhiệm chính, thời gian để thực hiện, nguồn lực sẵn có…
6. Đánh giá:
Cần kiểm tra cách giải quyết có tốt không; bài học rút ra sẽ giúp bạn giảm trí lực, nhân lực…
Vạn sự khởi đầu nan! Lần đầu áp dụng kỹ năng mới bao giờ cũng đòi hỏi kiên nhẫn, quyết tâm. Nếu thường xuyên rèn luyện sẽ trở thành phản xạ.
Các bước trên được xây dựng trên nguyên tắc ‘KOALA’:
K: Kiến thức (Knowledge)
O: Mục tiêu (Objectives)
A: Phương án ( Alternatives):
L: Đánh giá, lựa chọn (Look ahead)
A: Hành động (Action)
Tuy nhiên, có tài mà không có ơn như con dao sắc không có cán, dễ làm tổn thương mình và người. Ngược lại, có ơn mà không có tài như con dao cùn, không thể thực hiện hết trách nhiệm được giao phó.
Lời Chúa chép: “Người nào yêu sự giáo huấn, yêu tri thức; ai ghét sự quở trách là kẻ ngu dại!” (Châm ngôn 12:1)
Chúc các bạn có những quyết định sáng suốt khi giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống!
Thảo Phạm
(Tham khảo: Hieuhoc // Ảnh: Pixabay)
#Muoivaanhsang