Lãnh đạo với tinh thần phục vụ thường phải trải qua những ‘lò rèn’ khắc nghiệt. Không hiểu hay tránh né sức nóng của lò rèn có thể làm hư cuộc đời, sự nghiệp lãnh đạo của ta.
Qua lò lửa rèn luyện lãnh tụ Môi-se trong Kinh Thánh, ta có thể nhận diện các lực nhào nặn vô cùng quan trọng cho những người bước vào vai trò lãnh đạo hôm nay.
1. Sa mạc vô vọng
Môi-se đã đánh mất vĩnh viễn địa vị, ảnh hưởng và cơ hội nghìn vàng trong hoàng triều Ai Cập khi nóng giận đánh giết một người. Tương lai trong sa mạc là mù mịt, vô định. Môi-se đã âm thầm chăn bầy chiên của gia đình vợ trong suốt 40 năm sau đó.
Ông không ngờ rằng trong sa mạc ấy, mình được rèn luyện phong thái lãnh đạo bởi Đức Chúa Trời của tình yêu thương, khác hẳn với phong cách lãnh đạo sắt thép ông được đào tạo bởi triều đình Ai Cập.
Sa mạc cuộc đời có thể là nơi ít ai biết đến ta, nơi ta đang làm những công việc vô danh kéo dài, và có vẻ như hoàn toàn phí uổng. Tại sao cả đời Mục sư lừng danh Charles Spurgeon lại bị đè nặng, trầm cảm? Chúng ta không biết, nhưng ta hiểu rằng cuộc đời đó đã đem lại hy vọng, vinh hiển cho rất nhiều người.
Bạn có đang lang thang trong đồng vắng khô hạn nào của đời mình? Đâu là tầm nhìn, khả năng đang được Đức Chúa Trời đào luyện mà bạn không để ý?
2. Sự từ khước kéo dài
“Ông đã đem chúng tôi ra khỏi một xứ đượm sữa và mật để giết chúng tôi trong đồng hoang, như vậy vẫn chưa đủ sao mà ông còn muốn làm chúa trên tất cả chúng tôi nữa?” (Dân số ký 16:13). Sự vô ơn, cứng lòng, vội lên án của đoàn dân đối với Môi-se cứ lặp đi lặp lại khiến ông nổi giận, không biết phải làm gì. Nhưng rồi ông cầu xin Chúa đừng hủy diệt họ,và dần trở nên người khiêm hòa hơn hết.
Không chịu nổi những hiểu lầm, oán trách, lạnh nhạt lúc này lúc khác từ những người mình đổ công sức phục vụ có thể khiến người lãnh đạo trở nên chai cứng, thu mình lại hay phản ứng cay đắng. Ngược lại, nếu mở lòng để được nhào nặn, người đó có thể trở nên nhẹ nhàng, yêu thương, vững tiến theo mục đích được kêu gọi.
Bạn bị cám dỗ bỏ cuộc trong chua chát hay quay lại đáp trả theo cảm tính? Hãy để tầm mắt ta hướng cao lên, để sức nóng của dư luận trui rèn ta.
3. Cạnh tranh quyền lực
“Chẳng lẽ CHÚA chỉ phán qua một mình Môi-se sao? Ngài há chẳng đã phán qua chúng ta nữa sao?” (Dân số ký 12:2). Điều có thể gây nhói tim Môi-se sâu hơn sự từ khước của đoàn dân là sự xoay mặt của người chị thân yêu Mi-ri-am với thẩm quyền thuộc linh của ông. Mi-ri-am từng liều mình theo chiếc rương trôi của bé sơ sinh Môi-se để bảo vệ, gắn kết ông với bầu sữa mẹ, và hẳn bà đã ủng hộ ông suốt quá trình tranh chấp với Pha-ra-ôn, hoàng đế quyền lực của đế quốc Ai Cập đương thời. Nhưng giờ bà buông lời bắt lỗi, chống lại chính ông giữa mọi người.
Bạn và tôi sẽ làm gì trước thách thức quyền lực đến từ người thân? Chúng ta sẽ quay lại để tiêu diệt, loại trừ hậu hoạn, hay nên giao nộp hết quyền lực cho yên? Sự khiêm hòa của Môi-se đã đẩy ông đến gần hơn với Đấng kêu gọi ông vào chức vụ, đặt lòng tin cậy vào Ngài và trở thành người cầu nguyện cho Mi-ri-am để bà được chữa lành (Dân số ký 12:13)
Làm sao ta có thể kềm chế trước những lời nói hành từ bạn bè, người thân, không lấy ác trả ác mà kiên định với lòng an tịnh, nhân ái?
Để trở thành nhà lãnh đạo chân chính, ta không nên lẩn tránh những lực nhào nặn thực tế. Chúa Jesus vẫn hỏi những người muốn bước vào vai trò lãnh đạo: “Các ngươi có thể uống chén Ta sắp uống hay chịu phép báp-tem Ta sắp chịu chăng?” (Mác 10:38b)
Đoàn Hưng Linh
[Mục sư – Viện trưởng UUC]
(Nguồn: UUC // Ảnh: Pixabay)