Không ít người còn đổ lỗi cho người khác, cho tổ chức, xã hội nói chung và nhận mình nạn nhân. Nếu thất bại, họ tin đó không phải lỗi mình, mà do “lỗi hệ thống” hoặc lỗi người khác.
Thực tế phần lớn những gì xảy ra với ta là trách nhiệm của… ta. Nếu thất bại, không đạt mục tiêu, nguyện vọng, đó là lỗi của chính ta.
Bà Helen Keller bị mất cả thị giác và thính giác khi mới 19 tháng tuổi. Tuy nhiên, bà đã vượt qua khiếm khuyết, trở thành giảng viên, tác giả và là người ủng hộ quyền của người khuyết tật. Một trong số điểm mạnh của bà là không bao giờ đổ lỗi hay bào chữa, bà tuyên bố: “Điều tôi đang tìm không có ngoài đó. Nó ở trong tôi!”.
Trích dẫn Keller, nhà tư vấn lãnh đạo Tim Kight nhận xét: “Bác sĩ không giúp bạn khỏe mạnh, chuyên gia dinh dưỡng không làm bạn thon thả, giáo viên không khiến bạn thông minh, huấn luyện viên không khiến bạn phù hợp. Họ giúp đỡ, nhưng bạn phải chịu trách nhiệm thực hiện công việc”.
Ta có thể thấy điều này hàng ngày. Để xin được việc, ngoài kỹ năng ta còn cần làm sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, lịch hẹn phỏng vấn… Để bán được hàng, ta cần tương tác tốt với khách tiềm năng, thông báo cho họ giá trị, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ… Để được thăng chức, tăng lương, ta phải chứng tỏ mình xứng đáng, phải chịu trách nhiệm và thực hiện công việc.
Kinh Thánh có nhiều ví dụ về điều này “Ngay khi còn ở với anh em, chúng tôi cũng đã khuyên bảo anh em rằng: Nếu ai không muốn làm việc, thì cũng đừng ăn” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10); từ 2.000 năm trước Kinh thánh đã dạy: “Không có bữa trưa nào miễn phí cả!”.
Ta có thể ngưỡng mộ đồng nghiệp kết hợp đức tin với công việc, nhưng ta cần nhiều nỗ lực để làm tương tự. “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, như người làm công không chỗ trách được, thẳng thắn giảng dạy lời chân lý” (II Ti-mô-thê 2:15) – lời Chúa mặc khải qua Kinh Thánh, không phải qua thẩm thấu; cần dành thời gian đọc, nghiên cứu, suy ngẫm và ghi nhớ Lời Chúa để tiếp thu các lẽ thật, nguyên tắc và áp dụng vào thực tế.
Nhưng để trở thành “đại sứ cho Đấng Christ” hiệu quả (II Cô-rinh-tô 5:20), cần hiểu rằng khi ta giữ vai trò quan trọng trong sự thành công của mình thì Đức Chúa Trời cũng vậy. Phi-líp 2:13 cho biết “Vì chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em để anh em muốn và làm theo ý muốn tốt của Ngài”.
Chúa Jesus từng dạy các môn đồ: “Ta là cây nho thật, Cha ta là người trồng nho (…) Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Không cành nào tự sinh trái được. Anh em cũng không thể kết trái nếu không ở trong Ta (…)” (Giăng 15:1-5)
Cần chủ động, nỗ lực, nhưng để nhận ra mục đích của Đức Chúa Trời cho mình, cần nương cậy nơi Ngài. “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn có nhận thấy ngày càng nhiều người từ chối nhận trách nhiệm, hậu quả và hành động trong cuộc sống của chính họ? Cho một ví dụ và cảm nghĩ của bạn?
2. Bạn có đồng ý: Bác sĩ, huấn luyện viên không làm ta khỏe mạnh; giáo viên không giúp ta thông minh? Làm thế nào để cân bằng vai trò, trách nhiệm của chính ta trong việc đạt kết quả mong muốn?
3. Bạn tin Lời Chúa – Kinh Thánh – cần thiết cho ta trong công việc và cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày?
4.Làm sao để cân bằng giữa “phần của chúng ta” với điều Chúa muốn ta làm với tư cách là sứ giả của Ngài, và phần mà Chúa đảm nhận để ta hoàn thành bất cứ điều gì mang lại giá trị lâu dài, vĩnh cửu cho Vương quốc Ngài.
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International // Thảo Phạm lược dịch // Ảnh: Pixabay
Xem thêm: Truyền đạo 3:9-13; I Cô-rinh-tô 3:9; Ê-phê-sô 2:10; II Ti-mô-thê 3:16-17; Gia-cơ 2:14-18)