Tôi may mắn có được một số vị sếp mà tôi rất thích được ở cạnh, nhưng cũng có không ít người mà khi họ vắng mặt, tôi thở phào nhẹ nhõm!
Họ không phải người xấu, nhưng phong cách quản lý của họ tạo ra bầu không khí ngột ngạt khi họ có mặt, khiến mọi người lo lắng, không biết họ sẽ làm gì, nói gì tiếp theo. Vì vậy, sự vắng mặt của họ làm giảm căng thẳng, khiến môi trường làm việc thân thiện hơn.
Tuy nhiên, ngay cả với những ông chủ tốt nhất, nhân viên vẫn có xu hướng nhẹ nhõm khi họ vắng. Vì biết mình sẽ không đột ngột bị triệu tập, hỏi han về deadline hoàn thành những việc đã được giao…
Nên khi họ đi vắng, thậm chí ta còn muốn gác chân lên bàn thư giãn tí, vì biết không còn ai bất ngờ quát: “Nhấc cái chân khỏi bàn!”
Đối với một số người, sếp đi vắng nghĩa là có thể chểnh mảng công việc, như câu: “Mèo đi vắng, chuột rong chơi!”. Nhưng nếu sếp thay đổi kế hoạch, trở về bất ngờ, làm gián đoạn ‘kỳ nghỉ’ ngẫu hứng của mình thì sao?!
Đối với chúng ta, những “sứ giả của Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 5:20) trên thương trường, trong nơi làm việc, thì tầm quan trọng của việc siêng năng phục vụ Chúa và mọi người thì sao? Đức Chúa Jesus đã kể cho các môn đồ câu chuyện ngụ ngôn về các ta-lâng, rằng một ông chủ sắp đi xa, đã giao cho 3 người làm việc với mình mỗi lượng ta-lâng khác nhau, tin rằng họ sẽ sử dụng số tiền đó một cách khôn ngoan khi ông vắng mặt.
Khi trở về, ông yêu cầu mỗi người thuật lại những gì họ đã làm với số vốn được giao. Hai người đã đầu tư một cách hiệu quả, khiến vị doanh nhân khen ngợi khả năng và lòng trung thành của họ. Người thứ ba kể đã đem chôn số ta-lâng ấy giải thích: “Tôi biết ông chủ là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì vậy tôi sợ, nên đã đem chôn số tiền của ông” (Ma-thi-ơ 25:24-25)
Câu trả lời đó không được chấp nhận. Ông chủ sa thải anh ta, lấy lại vốn liếng giao cho người đầy tớ dám nghĩ, dám làm và tuyên bố: “Vì ai đã có sẽ được cho thêm để được dư dật. Ai không có sẽ bị cất luôn cái đang có” (c.25-29). Rồi khen: “Được lắm, đầy tớ ngay lành, trung tín!”.
Sứ đồ Phao-lô viết cho những người theo Chúa ở thành Cô-rinh-tô: “Vậy, mọi người nên xem chúng tôi như những đầy tớ của Đấng Christ, những người quản trị các sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Điều người ta đòi hỏi nơi người quản trị là phải đáng tin cậy” (I Cô-rinh-tô 4:1-2).
Đối với chúng ta, các con dân Chúa trên thương trường, điều này không chỉ liên quan đến Lẽ Thật Kinh Thánh, mà còn đại diện đúng đắn cho Đức Chúa Trời mà ta phụng sự.
Một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ được yêu cầu giải trình về cách mình đã sử dụng khả năng, tài năng, cơ hội, kinh nghiệm, tài nguyên mà Chúa giao phó. Đây là lý do tại sao chúng ta được dạy: “Và bây giờ, hỡi các con bé nhỏ, hãy ở trong Ngài, để khi Ngài hiện ra, chúng ta có thể dạn dĩ, không hổ thẹn trước mặt Ngài lúc Ngài đến” (I Giăng 2:28)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận:
1. Bạn từng có một ông/bà chủ, một vị sếp khó ưa? Bạn cảm thấy nhẹ nhõm mỗi khi họ rời đi? Như thế, “đạo đức làm việc” của bạn thế nào?
2. Bạn nghĩ “đại sứ cho Đấng Christ” nghĩa là gì? Suy nghĩ này ảnh hưởng thế nào đến cách bạn làm công việc? Giả sử như có ai đó thấy hết những gì bạn làm thì sao?
3. Bạn có nghĩ hành động của người đầy tớ thứ ba đó là hợp lý, rằng ít nhất anh ta cũng không tham lạm, biển thủ số tiền đó?!
4. Bạn phản ứng thế nào trước ý nghĩ một ngày nào đó phải khai trình với Chúa cuộc sống, công việc của mình? Điều này ảnh hưởng thế nào đến thái độ, cách tiếp cận công việc của bạn mỗi ngày?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International // Thảo Phạm lược dịch // Ảnh: Pixabay)
Xem thêm: Châm ngôn 10:4-5, 12:11, 22:29; Ma-thi-ơ 25:1-13; Cô-lô-se 3:17,23; II Phi-e-rơ 3:13-16