Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp thế giới (Food & Agriculture Organization – FAO) cho biết cuộc chiến là nguyên nhân chủ yếu khiến giá ngũ cốc tăng 17,1%, gồm lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô… Được biết trước dây, Nga và Ukraine lần lượt chiếm khoảng 30% và 20% xuất khẩu lúa mì và ngô toàn cầu.
Ông Josef Schmidhuber, Phó giám đốc bộ phận thương mại & thị trường của FAO cho biết: “Hiện tượng giá thực phẩm tăng rất cao này đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp”.
Mức tăng giá lớn nhất là đối với dầu thực vật: tăng 23,2%, vì Ukraine là nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu thế giới, Nga đứng thứ 2. “Sự gián đoạn nguồn cung lớn thúc đẩy giá cả tăng cao” – ông Josef tiếp: “Không thể tính toán hết mức ảnh hưởng của chiến tranh đối với giá lương thực kỷ lục. Ngoài ra, điều kiện thời tiết xấu ở Mỹ và Trung Quốc cũng là nguyên nhân của những lo ngại về mùa màng…”.
Giá lương thực tăng vọt và nguồn cung từ Nga, Ukraine bị gián đoạn đã đe dọa tình trạng thiếu lương thực ở các quốc gia Trung Đông, châu Phi và một số khu vực ở châu Á – nơi nhiều người không đủ ăn, và giờ còn phải đối diện với khả năng bất ổn chính trị.
Các nhà sản xuất ngũ cốc lớn khác như Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Argentina đang được theo dõi chặt chẽ, xem liệu có thể nhanh chóng tăng sản lượng để lấp đầy khoảng trống, nhưng nông dân phải đối diện với các vấn đề chi phí nhiên liệu, phân bón… tăng cao do chiến tranh, hạn hán và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ông Sib Ollo – nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Lương thực Thế giới – cho biết tại khu vực Sahel thuộc Trung và Tây Phi, sự gián đoạn vì chiến tranh đã làm tăng thêm tình trạng lương thực vốn đã bấp bênh do đại dịch covid gây ra, do xung đột, do thời tiết xấu và các vấn đề khác.
“An ninh lương thực và dinh dưỡng khu vực đang bị suy giảm nghiêm trọng, 6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, gần 16 triệu người ở các khu vực thành thị có nguy cơ mất an ninh lương thực” – ông nói với báo chí – “Nông dân đặc biệt lo lắng họ sẽ không thể tiếp cận các loại phân bón được sản xuất ở khu vực Biển Đen, mà Nga là nước xuất khẩu toàn cầu hàng đầu. Chi phí phân bón tăng gần 30% ở nhiều nơi trong khu vực bị gián đoạn nguồn cung do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra”.
Ông cũng cho biết Chương trình Lương thực Thế giới đã kêu gọi được 777 triệu đô-la, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 22 triệu người ở vùng Sahel và Nigeria trong vòng 6 tháng.
Ông Schmidhuber cho biết FAO đang đề xuất cơ chế giảm chi phí nhập khẩu cho các nước nghèo, kêu gọi các quốc gia đủ điều kiện cam kết đầu tư thêm vào nông nghiệp để nhận được các khoản hỗ trợ, nhằm giảm nhẹ nguy cơ thiếu đói.
Thảo Phạm lược dịch
(Nguồn: CBN I ISPI, Ảnh: Finacial Times, The Times of News, BBC, Euro News)