Họ cũng là đồng tác giả quyển ‘So You Want to Start a Side Hustle: Build a Business that Empowers You to Live Your Life, Your Way’ (tạm dịch: ‘Xây dựng một doanh nghiệp giúp bạn có thể sống theo cách của mình’). Cả hai đã nghỉ việc công ty cách đây vài năm, thoát ‘cuộc sống công sở’ và làm việc tự do – thành tựu lớn nhất đối với họ.
Trước khi gặp nhau, cả hai đều phải làm thêm ngoài công việc chính trong ngành tài chính và giáo dục. Họ bắt đầu cùng mở công ty đầu tiên năm 2006, và nhập 2 việc làm thêm thành 1, tạo ra công ty tư vấn Tandem Consulting – hiện doanh thu 3 triệu USD/năm.
Họ cho biết 5 bài học từ những sai lầm trong quá trình biến việc làm thêm thành việc toàn thời gian:
1. Quản lý thời gian và công việc kém hiệu quả
“Ban đầu chúng tôi không lường được sự quay cuồng khi cùng lúc vừa làm công việc toàn thời gian, vừa lo những dự án làm thêm đang phát triển rất nhanh. Vì xem việc làm thêm là phụ, chúng tôi rất chật vật trong việc quản lý thời gian. Rốt cục chúng tôi nhận ra cách hữu hiệu nhất để tăng năng suất là tự động hóa một số đầu việc và tuyển thêm người. Chúng tôi tự hỏi những câu sau:
- Liệu việc này có quan trọng, có làm tăng giá trị của bạn? Nếu không, bạn có thể bỏ qua?
- Nếu nhất định phải làm, bạn có thể thuê người?
- Nếu không thể thuê, hoàn tất nó trong bao lâu thì hiệu quả nhất?
- Khi đang làm, bạn có thể bỏ, tự động hóa hoặc thuê người làm tiếp?
2. Nhầm lẫn doanh thu với lợi nhuận
Chúng tôi biết nhiều người từng thử mở khoá đào tạo online với tư duy thế này: Tìm 20 khách hàng, tính phí mỗi người 4.000 USD/năm và lãi 80.000 USD.
Sai hoàn toàn! Bạn phải nghĩ làm thế nào để tìm thêm khách hàng? Bạn có định lập website? Chi phí mở và duy trì website? Bạn định làm marketing, làm thương hiệu? Bạn cần thêm chứng chỉ nào? Ai lo sổ sách, kế toán, hợp đồng? Nếu khách không trả tiền thì sao?…
Với mọi mô hình, chúng tôi đều lên kế hoạch chi tiết như vậy. Doanh thu không phải lợi nhuận. Và 80.000 USD nói trên đương nhiên không phải số tiền cuối cùng bạn có thể cầm về nhà.
3. Tái đầu tư lợi nhuận để tạo ra nhiều doanh thu hơn
Một khi tạo đủ doanh thu, bạn sẽ không phải tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận để tạo thêm doanh thu nữa. Giả sử bạn làm thêm ngành thiết kế, biến nó thành công việc chính và thu về 600.000 USD/năm, lợi nhuận ròng là 130.000 USD và không nhận lương.
Khi đó, bạn có thể bỏ ra 1-2 năm để củng cố hệ thống, khách hàng, trả nợ (nếu có), chuyển giao kỹ năng cho nhân viên, đưa nhân sự chủ chốt đào tạo được lên điều hành công ty với mức lương 60.000 USD và giữ 70.000 USD cho bản thân. Nếu sống đơn giản và quản lý tài chính tốt, bạn có thể sống thoải mái với số đó. Theo thời gian, bạn có thể tiết kiệm và đầu tư; đến một lúc nào đó, bạn có thể bán công ty này đi.
4. Định giá quá cao từ đầu và không nâng giá khi có thương hiệu
Khi công việc kinh doanh phát đạt, khách hàng sẽ trả tiền cho giá trị họ nhận được. Thông thường với sản phẩm có chi phí thấp, giá trị của nó cũng dễ bị đánh giá thấp. Đừng sợ phải điều chỉnh giá thường xuyên. Với lạm phát cơ bản và một nền kinh tế năng động, bạn cũng nên linh hoạt với việc định giá bán.
5. Trở lại tâm lý của nhân viên
Người làm thêm ngoài công việc chính thường thiếu tinh thần của người làm chủ, do phần lớn đều đi lên từ nhân viên. Dưới đây là những thay đổi cần thực hiện:
- Chuyển từ sự dễ đoán và ổn định sang linh hoạt: Khi bạn làm việc 2 tuần và được trả lương cho 2 tuần đó, mọi việc rất dễ đoán. Bạn có lương, có phúc lợi và thường là lịch làm việc cố định. Nhưng khi khởi nghiệp, bạn có thể sẽ phải làm vã cả mồ hôi, không có lịch trình “dễ đoán” suốt nhiều năm và cũng không được nhận lương tương xứng.
- Chuyển từ việc trở thành người thông minh nhất sang tìm người thông minh hơn: Nhân viên thường nỗ lực trở thành người thông minh nhất, và xem những người thông minh hơn là đối thủ. Nhưng khi khởi nghiệp, bạn sẽ phải tìm những người thông minh hơn mình.
- Chuyển từ việc được chỉ bảo sang tự rèn luyện: Khi được hỏi có lời nào để động viên người khởi nghiệp, Elon Musk đáp: “Nếu anh cần được động viên thì đừng làm!”.
Khi khởi nghiệp, sẽ không có người giám sát, cầm tay chỉ việc hay giao bài tập cho bạn nữa!
* Lời Chúa dành cho bạn: “Nhưng Đức Chúa Jesus phán: Hãy yên lòng, Ta đây, đừng sợ!” (Ma-thi-ơ 14:27). Hãy tin vào sự hiện diện và quyền năng của Chúa Jesus giữa những quyết định của cuộc đời! Hallelujah!
Bảo Quân
(DNSG I Ảnh: CNBC, Inno3, Sold 24 Ore, VCBay News)