“Biến động là lẽ thường, đừng để nó làm trật mục tiêu của bạn!” – Tiến sĩ Jeffrey Jaensubhakij phát biểu – “Cần đầu tư khôn ngoan, thiết thực… tuy nhiên, Cơ đốc nhân không chỉ cứ chú tâm vào việc giảm thiểu rủi ro, tăng lợi tức”.
Vậy, bằng cách nào tín hữu có thể cân đối giữa việc quản lý tài chính và trung tín với giá trị Cơ đốc?
Quản lý tốt = suy xét những gì Chúa muốn
Tiến sĩ Jeffrey Jaensubhakij ví dụ về đại dịch covid vẫn tiếp diễn thử thách sự công chính trong sức khỏe – y tế: “Để vaccine được phổ biến, nhiều quốc gia tiếp cận khả năng sản xuất vaccine… sẽ khiến các công ty dược không thể tối đa hóa lợi nhuận, đây chính là căng thẳng hiện tại”.
Ông tiếp: “Kinh Thánh bày tỏ rất rõ việc Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài phải rộng lượng chia sẻ, Ngài muốn dân Israel không được quên những người kém may mắn bằng cách không được gặt đến cuối bờ ruộng, để phần đó cho người nghèo và ngoại kiều (Lê-vi Ký 23).
Con cái Chúa không cần vét tất cả lợi nhuận, bởi cộng đồng cần được giúp đỡ: người nghèo, người góa bụa, trẻ mồ côi… Chúa dạy hãy để họ mót lúa trên cánh đồng của bạn. Về y tế, nhất là vaccine, cần cầu nguyện cho các lãnh đạo trong đất nước và trên toàn cầu, những người đang ‘tối đa hóa lợi nhuận’…
Đức Chúa Trời muốn mỗi cá nhân trở thành người quản lý tốt sản vật mà Ngài ban cho. Trong Ma-thi-ơ 25:14-30, người chủ giàu giao tài sản cho 3 người; 2 người tối ưu hóa lợi nhuận, còn người thứ 3 sợ hãi giấu đi, không sinh lợi. Người chủ thưởng cho 2 người đầu và trừng phạt nghiêm khắc người thứ 3, gọi đây là ‘đầy tớ lười biếng’.
“Chúa ban ân tứ và muốn ta sử dụng một cách ích lợi. Vì vậy, quản lý tài sản rất quan trọng. Hơn thế, cần nhận biết ân tứ đến từ Chúa và tìm kiếm sự khôn ngoan từ Ngài, học cách sử dụng, bày tỏ ra…” – Tiến sĩ Jaensubhakij tiếp.
Làm tròn trách nhiệm với sự giúp đỡ của cộng đồng
Ông Peter Han nhấn mạnh tầm quan trọng của khiêm tốn và trách nhiệm. Ông nhớ lại cách Timothy Keller, Mục sư ở Manhattan, New York, nói về chủ đề lòng tham với lãnh đạo các doanh nghiệp tại Hội nghị về ‘7 tội lỗi chết người’: “Đó là hội nghị ít người nhất, bởi không ai nghĩ mình tham lam!” – ông Han kể, rồi tiếp: “Chúng ta với tư cách Cơ đốc nhân, cần khiêm tốn, trách nhiệm và đặc biệt không tham lam”.
Ông nói chìa khóa để ta không bị mù quáng bởi lòng tham, đó là cần gắn kết với cộng đồng Cơ đốc và gìn giữ tấm lòng nóng cháy cho Chúa. Lòng tham là kẻ thù ta luôn phải chiến đấu. Làm sao có thể nhận mình tham lam cho đến khi ai đó chỉ ra?
Đâu là giá trị bản thân?
Tiến sĩ Jaensubhakij lẫn Han đều tin rằng trên cả việc phấn đấu đạt lợi nhuận, nên thỏa lòng trước giá trị vĩnh cửu không gì có thể so sánh được. Cần nhớ vị trí của ta trên thương trường là do Chúa đặt để, để làm chứng cho thế gian về tình yêu và ân điển Ngài. Quản lý tốt ân tứ Chúa ban đã là hành động làm chứng.
Tiến sĩ Jaensubhakij cho biết các đồng nghiệp đều biết ông là Cơ đốc nhân khi nhìn vào cách làm việc làm của ông, ông không làm bằng sức riêng, không kiêu ngạo, nhưng khiêm nhường và luôn biết ơn Chúa. Đó chính là bước đệm để ông làm chứng về Chúa.
Trong môi trường đầu tư căng thẳng, biến động liên tục, không gì đảm bảo, Cơ đốc nhân luôn cảm thấy vững lòng vì biết Chúa luôn ở bên, ta có thể trao gánh nặng cho Ngài, vì Đức Chúa Trời là nơi nương náu…
‘Đầu tư Thánh’
Không phải sự giàu có định giá bản thân ta. Chỉ Chúa mới có thể khiến ta trở nên giá trị thực sự. Hãy làm việc và ảnh hưởng, cầu nguyện cho tất cả, dù là ngành nghề, vai trò nào, cũng đều có cơ hội bày tỏ Chúa.
“Lợi nhuận là cớ tôn vinh Chúa, nhưng Chúa không quan tâm đến lợi nhuận tuyệt đối của chúng ta. Vua của cả thế gian không cần tiền của ta, Ngài chỉ muốn ta quản lý tốt các ta-lâng và làm lợi ra để bày tỏ mỹ đức của Ngài” – ông Han tiếp.
“Nhờ sự tể trị, dẫn dắt của Chúa, hãy tiếp tục vững tin trước tình hình kinh tế biến động như hiện nay” – TS Jaensubhakij thêm. Ông nhắc Ma-thi-ơ chương 6 về việc Chúa lo cho cả chim sẻ và hoa huệ ngoài đồng. Và dù tương lai ra sao, ông luôn được nhắc nhở bởi lời dạy của Chúa rằng chớ lo ăn gì, uống gì, mặc gì… bởi tương lai ta hoàn toàn nằm trong tay Chúa. Đức Chúa Trời – Đấng yêu thương – luôn biết mọi nhu cầu của ta. Ngay cả khi nhìn vào viễn cảnh mờ mịt, ta vẫn có thể tự tin.
Dương Nguyễn dịch
(Nguồn: Salt & Light Singapore; Ảnh: Unsplash)