Tác động xã hội do đại dịch covid phản ánh ngược vào từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan, công ty, nhà máy… Tâm lý con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến con người dễ mắc các chứng tâm thần như trầm cảm, rối loạn hành vi, ngôn ngữ… sau bất cứ sang chấn tâm lý nào.
Các nguyên nhân đơn giản cũng có thể gây sang chấn tâm lý, stress do thiếu việc, mất việc, doanh nghiệp (DN) cắt giảm biên chế, giảm lương, thiếu thốn tiền bạc, vật chất… dẫn tới tâm lý hết sức xấu: vị kỷ, bỏ mặc gia đình, cơ quan, xí nghiệp, tệ nữa là tự kỷ, đóng mình lại, cự tuyệt xã hội…
Áp lực cuộc sống bất an, thêm việc chậm thích nghi với thay đổi trong đời sống dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, phán đoán chủ quan, sai trái, nếu kéo dài gây stress tâm lý nghiêm trọng, sang chấn tâm lý, rối loạn thần kinh chức năng, dễ bị kích động, tổn thương tâm lý tiềm ẩn bùng phát thành bệnh lý trầm trọng.
Dấu hiệu ban đầu của chấn thương tâm lý thường là đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, mất ngủ kéo dài, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khó thở, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đau vai, gáy, cơ, xương khớp… Nếu sau khi đi khám ở các chuyên khoa không phát hiện bệnh lý thì cần khám sức khỏe tâm thần.
Bệnh lý tâm thần có thể khởi đầu bằng các triệu chứng như buồn chán, lo sợ, hoang tưởng, ảo giác, kích động, tệ hơn là có hành vi nguy hiểm như tấn công người xung quanh hoặc tự sát.
Người mắc tâm thần nặng không được theo dõi, khám chữa chu đáo, thêm bị giãn cách xã hội có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như bi quan, tự sát, tấn công người… Sau đây là các biện pháp dự phòng và điều trị rối loạn tâm thần trong đại dịch:
- Theo dõi sát nhóm đối tượng nguy cơ cao như trầm cảm kéo dài, nghiện rượu, nghiện ma túy.
- Tăng cường chất lượng cuộc sống.
- Người thân, bạn bè thấu hiểu, động viên nhau cùng vượt qua đại dịch; nhất là các F0, F1 đã khỏi, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng thay vì kỳ thị, xa lánh.
- Nhà máy, cơ quan, công ty cần quan tâm hơn đến chất lượng tinh thần và cuộc sống vật chất của từng cá thể.
- Thăm khám sức khỏe tâm thần. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao hay bệnh nhân ngoại trú cần được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các liệu pháp tâm lý, giải quyết các vấn đề căn bản của trầm cảm.
Nếu bệnh nhân gây hấn, xung động, kích động… cần sự có mặt của lực lượng chức năng để đảm bảo an toàn xã hội trước khi nhập viện bắt buộc. Bác sĩ cần kết hợp liệu pháp tâm lý và các loại thuốc đặc trị để giảm thiểu triệu chứng, giúp phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
BS Phạm Ngọc Thắng (Doanh nhân Saigon Online)
* Muối & Ánh sáng:
Lời Chúa dạy: Tích cực làm Muối & Ánh sáng giúp người, cứu người. “Vì ân sủng của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ, đem sự cứu rỗi đến cho mọi người” (Tít 2:11)
Lời Chúa cho biết bình an thật, hy vọng thật chỉ có thể tìm thấy trong Đức Chúa Trời, Ngài “là nơi nương náu và sức lực của chúng ta, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân…” (Thi thiên 46:1-2)
Chúa biết tất cả và không thờ ơ với những gì con dân Ngài đang đối diện. Chúa biết mỗi người một cách cá nhân và quan tâm đến từng người, không gì ngoài tầm kiểm soát của Chúa.
Nỗi lo sợ dịch bệnh chỉ trong hiện tại, trong đời này, nhưng Chúa hứa rằng những điều tốt đẹp nhất đang chờ đợi ta ở Cõi đời đời. Nơi nước mắt mất mát, chia cách, đau buồn không còn nữa; cái chết không còn ngự trị – đây là một sự đảm bảo chắc chắn từ Chúa. Hallelujah! Cảm tạ Ngài.
(Ảnh: Unsplash; Ngô Trần Hải An)