Đó là điều gây thất vọng nhất. Làm sao tôi có thể cùng mọi người thờ phượng Chúa khi nhà thờ đóng cửa? Nhưng rồi tôi cảm thấy Chúa đang hỏi: “Tấm lòng con đặt ở đâu? Liệu con có thể thờ phượng Ta ngay cả khi nhà thờ đóng cửa? Liệu con có thể tiếp tục thờ phượng Ta mà không cần giáo đường trang nghiêm, không nhạc cụ, không có màn hình chiếu, không lễ lạc… chỉ có con và Ta không? Con đang ao ước điều gì? Khát khao sâu thẳm nhất của con là gì?”
Đức Chúa Jesus phán: “Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21)
Lệnh phong tỏa thúc giục tôi tra xét kỹ lòng mình, và tôi không thích những điều tôi nhận ra. Tôi nhận ra rằng ‘kho báu’ của tôi, điều tôi vô cùng trân trọng, không phải lúc nào cũng là chính Chúa, nhưng nó gắn liền với tổ chức, giáo hội.
Tôi ao ước trở lại với các công tác trong Hội Thánh. Tôi nhớ các thông lệ của buổi thờ phượng. Tôi nhớ trạng thái bình thường, quen thuộc của Hội Thánh. Thậm chí, bạn có thể nói rằng tôi yêu các hoạt động của Hội Thánh hơn đời sống tương giao với Chúa.
Điều này khiến tôi đặt dấu hỏi về cách tôi định nghĩa về kết quả. Liệu sự phục vụ của tôi có kết quả cho Chúa khi tôi bị buộc phải ở nhà? Liệu tôi vẫn có thể giúp người khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch?
Suốt giai đoạn phải ở nhà, tôi đã học cách quay trở lại với trọng tâm của sự thờ phượng. Tôi học cách trở lại với kho báu thực sự của lòng mình: chính Chúa. Và tôi nhận ra rằng Chúa quan tâm đến đời sống thờ phượng của cá nhân tôi hơn các hoạt động tôi dự phần ở nhà thờ. Rằng tôi rất giống Ma-thê, quá bận rộn phục vụ đến nỗi không thể ngồi dưới chân Chúa, lắng nghe lời Ngài như Ma-ri (Lu-ca 10:38-42).
Không gì có thể cất đi mối tương giao cá nhân của chúng ta với Chúa, kể cả coronavirus. Đó là lý do Chúa Jesus khen ngợi Ma-ri: “[Ma-ri] đã chọn phần tốt, là phần sẽ không ai đoạt lấy của nàng được”.
Ma-thi-ơ 6:19-20 chép: “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy”
Tấm lòng ta ở đâu trong đại dịch? Chúng ta theo đuổi những của báu nào và tích trữ chúng ở đâu?
Trong thời điểm này, nguyện chúng ta không bỏ lỡ cơ hội sống chậm lại để xem xét đời sống cá nhân. Nguyện chúng ta để Đức Thánh Linh tra xét lòng mình, để có thể theo đuổi kho báu thật, không bao giờ hư mất hoặc bị cất khỏi chúng ta.
“Lạy Cha, xin đem con trở lại với trọng tâm của sự thờ phượng, giúp con ghi nhớ rằng sự thờ phượng không phải chương trình, nghi lễ… nhưng được ở trong sự hiện diện tuyệt vời của Ngài. Amen”.
Mục sư Hambali Leonardi
(Nguồn: Odb; Ảnh: Unsplash)