Khách hàng không quan trọng bằng gia đình, nên yêu gia đình hơn. Nếu bạn vấp ngã trong cuộc sống, khách hàng và sếp bạn không phải luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn mà là gia đình, bạn bè của bạn. Sống chẳng phải chỉ để đi làm, về nhà, ngủ. Còn nhiều thứ thú vị khác, bạn cần giao tiếp, tập thể dục, thư giãn; đừng làm cuộc sống vô nghĩa…
Người ở văn phòng (VP) đến tối mịt mới về không phải siêng năng, mà là người không biết sắp xếp, xử lý công việc trong thời gian quy định. Ngoài ra, đó còn là người không có cuộc sống riêng, không quan hệ xã hội… Bạn không phải được đào tạo để trở thành cái máy.
* Rời VP đúng giờ: – Năng suất cao hơn; Đời sống xã hội tốt hơn; Quan hệ gia đình tốt hơn.
* Rời VP trễ: – Năng suất thấp hơn; Không có đời sống xã hội; Không có đời sống cá nhân.
Các bạn có đồng ý với quan điểm trên? Mời chia sẻ quan điểm, suy nghĩ cho vấn đề này nhé!
Nguyễn Chí Thành: Đừng dùng thời gian làm thước đo mọi việc, ngay cả với gia đình; hãy để ý giá trị của việc làm và thời gian.
Có những bác sĩ rất ít thời gian với gia đình nhưng lại rất hạnh phúc. Có các kỹ sư ngoài khơi 15 ngày, về nhà 15 ngày cũng vậy. Ngay cả các lãnh đạo dành quá nhiều thời gian cho công việc, giao tế… nhưng gia đình họ vẫn rất hạnh phúc.
Nếu bạn ở lại chỉ vì muốn có thêm thời gian, mà không có giá trị gì nhiều so với việc về nhà thì nên về. Còn nếu cảm thấy về trễ hơn một chút mà giải quyết được nhiều việc thì có sao đâu, ít kẹt xe hơn nữa là!
Thời gian cho gia đình quan trọng là chất lượng. Về nhà mà không có không khí gia đình, mạnh chồng chồng xem TV, vợ lên Internet, con cắm mặt vào Ipad thì cũng bằng không!
Van Pham: Thật ra mình nghĩ vấn đề này không hẳn đúng. Nó tùy thuộc vào từng thời điểm bạn cần ưu tiên cho việc nào hơn. Nếu một dự án cần tập trung cao độ để hoàn thành đúng thời hạn, thì về muộn là tất nhiên. Sau khi hoàn tất, bạn có thể dành thời gian ưu tiên cho đời sống cá nhân, nạp lại năng lượng, chăm sóc người thân, bồi dưỡng đời sống tinh thần… rồi tiếp tục công việc của mình một cách rực lửa!
Vu Tran: Đúng như bạn Vi Lê chia sẻ, hãy rời văn phòng đúng giờ và đừng mang việc về nhà. Không phải người châu Á nào nói với tôi điều này mà là ông sếp người Đức. Khi ra khỏi công ty, ông ấy để công việc qua một bên. Hãy sống cho gia đình, bạn bè ngoài giờ làm việc.
Thái Anh Hồ: Bạn có quyền làm những việc bạn thích, bạn muốn làm cho tới khi xong hẵng về, chứ không phải chăm chăm ngồi đợi sếp về mới về.
Trang Nguyen: Tôi thường đến cơ quan sớm, check email đầu ngày, đọc tin tức thời sự 30 phút rồi bắt tay vào làm việc. Tôi tập trung làm thật hiệu quả trong giờ hành chính, hết giờ là tôi về với gia đình; nấu ăn, trò chuyện cùng chồng con, gia đình chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với nhau…
Nếu không về đúng giờ chắc tôi không kịp thời gian quan tâm, chăm sóc gia đình. Con cái đang tuổi lớn sẽ sống thu mình, không trò chuyện với mẹ nữa nếu mẹ về muộn, bận bịu, không hỏi han, tâm sự với con. Tôi rất tâm đắc với bài viết này, xin gửi các bạn cùng đọc:
‘Tài khoản vô giá’ – “Có một ngân hàng mỗi sáng chuyển vào tài khoản bạn 86.400 USD. Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác. Mỗi chiều, ngân hàng sẽ hủy hết số dư còn lại nếu bạn không dùng hết trong ngày. Bạn sẽ làm gì? Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên! Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy!”
Kelly Nguyen: Theo mình, việc rời văn phòng đúng giờ hay trễ còn tùy. Tùy vào mức độ ưu tiên, tính khẩn cấp, đặc thù của công việc. Nhân viên có năng lực sẽ biết sắp xếp, quản lý thời gian để hoàn thành tốt công việc và cuộc sống.
Gia Bui: Đồng quan điểm! Gia đình là nền tảng, đời sống cá nhân có hạnh phúc thì công việc mới tốt đẹp, ý nghĩa, sự nghiệp mới phát triển.
Trừ những trường hợp đặc biệt, còn nói chung: Bất kỳ công việc nào cũng có khối lượng và mức ưu tiên, có nghĩa là bạn có thể lập kế hoạch, sắp xếp nó hợp lý.
Cũng vì công việc có thể sắp xếp nên mới có chế độ. Nếu kế hoạch vượt quá thời gian cho phép, có nghĩa phân chia công việc không hợp lý, công việc cần được chia sẻ (Teamwork). Nếu thiếu người nghĩa là cần tuyển thêm người, hoặc có thể nhờ vả nhân lực từ phòng ban khác…
Phương thức làm việc hiệu quả, năng suất cao cũng là yếu tố quan trọng, từ cách check email, nghe điện thoại… lúc nào cũng cần cải tiến và có lẽ không bao giờ đạt đến mức hoàn hảo cả. Người làm việc năng suất cao có thể sắp xếp công việc mỗi 15 phút một, trong khi có người chỉ có thể sắp xếp theo 2 tiếng, thậm chí sắp xếp theo việc.
Muối & Ánh sáng:
Lời Chúa cho việc sắp xếp công việc hợp lý, hiệu quả: “Nếu các ngươi tin, mọi sự đều có thể” (Mác 9:23)
Khi ta đặt niềm tin vào Chúa, mọi sự đều có thể hoàn thành một cách xuất sắc, vượt trội: “Vả Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20)
Phao-lô nói: “Tôi cứ làm một điều…” (Phi-líp 3:14). Chúng ta có thể nói “Chúng tôi cứ làm 3 điều hoặc 6 điều…”. Nếu có nhiều điều hơn, chúng ta sẽ không thể thực hiện một cách xuất sắc được. Nếu cùng một lúc cố đạt được nhiều ưu tiên, thì chỉ dẫn đến sự phát triển bình thường, hoàn thành rất ít hoặc không hoàn thành gì cả. Vậy nên xác định những việc ưu tiên hàng đầu là nguyên tắc rất quan trọng. Cần giảm xuống còn 1 điều duy nhất phải làm nếu phải bỏ hết những điều khác.
BTV M&AS
(Ảnh: Unsplash)