“Biết tuốt”, “gossip”, đố kỵ… chuyện không của riêng ai
Chốn công sở mỗi người một tính, có người không quan tâm chuyện thị phi, nhưng cũng có người thích đem ra bàn cãi, rồi đẩy câu chuyện đi xa hơn. Từ mới hòa nhập đến làm việc lâu năm, các đồng nghiệp này luôn ở quanh bạn.
Nhân viên mới hẳn từng hiểu cảm giác “biết tuốt” công sở. Họ thường là thành phần kỳ cựu, lão làng, được cấp trên trọng dụng. Cũng vì thế họ tự cho mình “biết tuốt”, buộc người khác – nhất là người mới – làm theo ý mình. Là người mới, bạn có thể học hỏi từ họ này kinh nghiệm, kiến thức. Nhưng kiên nhẫn tập trung vào nhiệm vụ của mình giúp bạn dần chứng tỏ được thực lực trước họ và mọi người.
Một thời gian sau, bạn có thể gặp những kẻ ngồi lê đôi mách. Nếu có năng lực, rất có thể bạn sẽ bị những người này chèn ép, vùi dập. Nếu bạn còn nhiều thiếu sót, chưa dày dạn kinh nghiệm, rất có thể là lý do để “hội gossip” bàn tán. Họ thường tụ tập thành nhóm nhỏ để bàn về bạn, hay bè phái, nói sau lưng, cô lập, công kích bạn…
Chưa hết, kèm với các “bà tám”, bạn cũng khó tránh khỏi những kẻ đố kỵ. “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, bạn phải chịu các cảm giác không ai chịu được!” – ca sĩ Sơn Tùng chia sẻ.
Tôn trọng sự khác biệt
Nghe có vẻ đáng sợ, nhưng đừng quá lo lắng khi làm việc trong môi trường này. Hãy coi đó là động lực để liên tục cố gắng, phát huy tối đa tài năng mình. Tốt nhất, làm sao để các đồng nghiệp này càng ít cơ hội chế giễu bạn càng tốt, càng không để họ biết bạn đang bực. Những kẻ “bắt nạt” thường thích thú khi bị phản ứng.
Dưới đây là một số cách ứng xử khéo léo, giúp bạn vừa không mất lòng, vừa tránh thị phi:
Trước khi muốn chống lại “thế lực thù địch” bên ngoài, cần nỗ lực từ bên trong với tâm thế làm việc chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi.
Bên cạnh xây dựng kiến thức, đừng quên xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp; biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Đừng tiết kiệm một lời khen cho đồng nghiệp, nhưng chủ động giúp họ trong khả năng bạn. Tránh xa các cuộc nói xấu, và góp ý với đồng nghiệp tế nhị, nhẹ nhàng…
Hiện, không ít công ty có điều kiện giúp bạn phát triển. Chỉ cần chọn lọc, tìm hiểu kỹ nơi bạn dự định gắn bó. Ngoài ra cần chịu khó học hỏi, chủ động quan hệ tốt với đồng nghiệp, công sở sẽ trở nên dễ thở hơn.
Cuối cùng, dù đã làm tốt những điều trên, bạn vẫn không tránh khỏi “đồng nghiệp độc hại”? Cần bỏ ngoài tai mọi đố kỵ, ganh tị. Ca sĩ Sơn Tùng chia sẻ điều giúp anh vượt qua sóng gió để thành công: “Đam mê, gia đình và khán giả”, không có chỗ cho các đồng nghiệp khó ăn khó ở này!
“Tình yêu thương hay nhịn nhục, nhân từ…”
Lời Chúa nói gì về “bệnh” ghen tị, đố kỵ? Ghen tỵ là tội lỗi, không phải đặc tính của Cơ đốc nhân. Đố kỵ, gièm pha cho thấy con người bị kiểm soát bởi miệng lưỡi xác thịt (I Cô-rinh-tô 3:3), “Chúng ta chớ nên tự phụ, khiêu khích lẫn nhau, ganh tị lẫn nhau” (Ga-la-ti 5:26)
Kinh Thánh dạy phải có tình yêu hoàn hảo Chúa dành cho ta. “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ” (I Cô-rinh-tô 13:4-5). Và càng tập trung vào bản thân, vào người khác, ta càng ít tập trung vào Đức Chúa Trời.
Muối & Ánh sáng
(Nguồn: Anphabe; Ảnh: Unsplash)