“Sếp nói từ giờ mỗi người sẽ kiêm thêm vài task khác để tinh gọn bộ máy, và mỗi người có cơ hội improve kỹ năng. Nghe cũng hợp lý, nhưng thấy luôn tăng workload, trong khi lương thì… nói thật, năm nay không hy vọng gì! Nói chung thấy oải! Ở đây có ai cùng hoàn cảnh không? Mà giờ muốn deal với sếp về khối lượng công việc có nên không? Hay xác định cứ deal, không deal được coi như… đi luôn?”
Lan Lê: “Giờ tình hình ở đâu cũng vậy hết bạn ơi! Sau Covid các công ty chịu ảnh hưởng buộc phải thay đổi cấu trúc, quy trình, chiến lược các kiểu để tối ưu chi phí và có thể vận hành hiệu quả.
Thật sự thay đổi chả ai muốn, nhưng từ từ sẽ quen thôi, vì tâm lý chúng ta luôn thích an toàn. Ở công ty mình, giờ một người cũng kiêm 2-3 đầu việc, có những việc mới hoàn toàn, phải học rồi làm thôi. Nên bạn nghĩ tích cực xíu đi, trong bất cứ tình huống nào mình cũng khuyên bạn nên nói chuyện rõ ràng với sếp trực tiếp về vấn đề thay đổi”.
Khanh Phan Bao: “Dạ, cảm ơn chị đã chia sẻ. Thật ra em không ngại thay đổi hoặc tái cấu trúc, vì đó là chuyện phải làm, vì hiện team cũng đang lung tung quá. Nhưng vì em chưa thấy các sếp chia sẻ gì về phân bổ công việc, chỉ thấy việc gì cũng gom về cho tụi em nên hoang mang lắm. Em đã book lịch gặp sếp rồi, để chờ xem cụ thể thế nào rồi tính tiếp!”.
Việt Lê: “Anh làm HR nên anh hiểu tâm lý em, đó cũng là bài toán mà nhiều HR đang đau đầu trong giai đoạn này. Thay đổi là tất yếu, nhưng mình xem xét thay đổi đó có hợp lý không? Cũng phải dựa trên sở trường, sở thích cá nhân nhân viên, chứ không thể giao những cái task tréo ngoe, nhân viên nản, nghỉ. Bên anh hồi tháng 5 cũng có một số điều chỉnh về cấu trúc phòng ban, lúc đầu nhân viên cũng mặt nặng mày nhẹ. Nhưng các sếp thường xuyên gặp, giải thích, lên plan rõ ràng cho họ thấy thay đổi sẽ thế nào, ai là người hỗ trợ đằng sau, và nếu đảm nhận thêm vị trí mới họ sẽ được thêm tiền commission từ việc đó nếu đạt chỉ tiêu. Sau một thời gian thì mọi chuyện đi vào quỹ đạo.
Dưới góc độ người lao động, anh nghĩ em nên gặp mặt trực tiếp trao đổi với HR hoặc sếp về những lo lắng hiện tại, vì anh nghĩ HR cũng muốn nghe tâm tư nguyện vọng của nhân viên để có thể điều chỉnh…”
Khanh Phan Bao: “Nhưng những việc mới này rất khác với việc em đang làm. Có một số việc thật sự chán ngắt, nghe là không thấy được motivate rồi. Nhưng không biết phải deal với sếp thế nào, nếu từ chối thì ai sẽ làm, vì em cũng hiểu công ty giai đoạn này không thể tuyển thêm nữa…”.
Hoàng Dương: “Ở startup chắc đây là ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Mấy bạn thử vào startup làm đi, xem có còn than thở không. Đối với các công ty khởi nghiệp, chuyện thay đổi nhanh, tức thời và liên tục đang trở nên bình thường, đừng nói trong ‘thời chiến’ như này khỏi phải bàn, các bạn không chấp nhận thì sẽ tự đào thảo và đi lùi với thế giới. Đây là xu thế trong môi trường làm việc, dần sẽ được các công ty áp dụng thôi”.
Son Khe Nguyen: “Giờ chỉ cần xác định căn bản thế này: Bạn có chắc muốn chuyển việc là chuyển được? Nếu chắc ăn thì cái thế để bạn thỏa thuận công việc sẽ khác. Tôi thấy nhiều nơi không còn tuyển ầm ầm như trước đây, chưa kể nhiều công ty có khi phải giảm người từ giờ đến cuối năm. Chịu khó đọc báo chút là thấy đủ thông tin thị trường để tự đánh giá tình hình. Cho nên nếu là tôi, tôi cũng sẽ tìm cách nói chuyện với sếp, nhưng nói trên tinh thần xây dựng. Nhiệm vụ nào chưa có kinh nghiệm thì mình xác định học thêm, xin kinh nghiệm từ sếp hoặc đồng nghiệp… Thời buổi làm gì cũng khó, có chỗ làm việc đàng hoàng thì mình tìm cách để cùng tồn tại với công ty thôi bạn ạ”.
Lily Le: “Mình thì nghĩ đơn giản từ mục đích của mình. Ví dụ mình muốn học hỏi thêm skills mới thì ở lại học tiếp. Còn nếu mình muốn có mức lương khá hơn thì ra đi tìm đường khác thôi mà”.
Khanh Phan Bao: “Dạ, em cảm ơn anh đã chia sẻ, thật ra em cũng nghĩ hướng đó, giờ nghỉ thì kiếm job không dễ, mà làm tiếp thì công việc không thú vị, thậm chí khác với định hướng của em nên em mới đau đầu đây!”.
Dang Phong: “Đồng ý với ý kiến anh Sơn Khê. Thời buổi khó khăn, còn được nhận lương đã là may mắn lắm rồi. Đây cũng là cơ hội để phát triển kỹ năng ra các lĩnh vực khác. Thực tế cho thấy có những ngành sẽ phát triển trong tương lai như điện tử, IT… nhưng cũng có những ngành về lâu về dài sẽ bị thu hẹp hoặc chuyển về vùng xa như dệt may, da giày… Không ai có thể nói chắc chắn bạn sẽ ở trong lĩnh vực của mình cả đời, nhưng có điều đây là cơ hội cho bạn học hỏi và cải thiện bản thân, rồi sau này bạn có thể tự quyết định. Thân ái!”.
Mai Đinh Thi Chi: “Không rõ sếp bạn thông báo thế nào, khiến bạn băn khoăn và có ý định gặp sếp để deal lại? Chuyện này đã diễn ra ở team của tôi. Tôi, với vai trò phản diện trong câu chuyện tương tự đã họp phòng để thông báo rất cởi mở việc này, nói rõ nguyên nhân, phân tích lợi hại để mọi người trong team thấy đây không phải ép buộc, mà là hợp tác để cùng tồn tại. Thời điểm này các công ty nhìn chung đều rất khó khăn, các bạn phải chia sẻ thì công ty mới tồn tại qua giai đoạn này và sau này mới phát triển được. Nếu các bạn chỉ ích kỷ nhìn từ phía cá nhân mình, không chịu hiểu cho những người ở vai trò chèo chống thì các bạn sẽ ấm ức. Nhưng nhìn đi nhìn lại từ 2 phía, các bạn sẽ thấy công ty cũng đang cố hết sức để duy trì được mức thu nhập hiện tại cho các bạn đó”.
* Lời Chúa dành cho con cái Ngài những lúc thối chí, nản lòng: “Hãy trông cậy Chúa! Hãy mạnh mẽ lên! Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông cậy Chúa” (Thi thiên 27:1-6,14); “Chúng tôi bị áp lực đủ mọi mặt nhưng không bị nghiền nát; bị bối rối nhưng không hề tuyệt vọng” (II Cô-rinh-tô 4:8); “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23)
Muối & Ánh sáng
(Nguồn: Anphabe; Ảnh: Unsplash)