Một đời sống như thế không thể nào sáng Danh Chúa, không thu hút được, không thuyết phục được ai, cũng không ích lợi cho ai…
Việc lôi kéo Cơ đốc nhân vào nợ nần khiến họ kiệt sức vì lo lắng, sợ hãi, thất vọng, bất lực thuộc linh, không kết quả. Một quản gia trung tín không thể không biết kiểm soát thu nhập, chi tiêu. “Vậy, tôi phải làm sao để được tự do tài chính trong Chúa?”.
Hô hấp tài chính
Hô hấp thuộc linh nâng sức khỏe thuộc linh thế nào thì hô hấp tài chính giúp tự do tài chính thể ấy. Ta nên ‘thở ra’ tài chính bằng cách nhường các quyền sở của mình cho Đức Chúa Trời, đầu phục mọi quyết định của Ngài, chấp nhận sự chỉ dẫn, xác nhận quyền Chủ tể của Chúa trên toàn bộ thời gian, khả năng và tài sản mình. Còn ‘hít vào’ tài chính là chia sẻ với người khác sự dư dật, là hành động đức tin.
Dâng hiến đều đặn
Chúa không đòi hỏi 1/10 thu nhập của ta vì Ngài cần số tiền đó, mà dâng hiến là cách để Chúa bảo đảm tương lai tài chính của ta. “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn mà nộp trong lòng các con; vì các con lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các con mực ấy” (Lu-ca 6:38)
Bằng cách trung tín theo nguyên tắc Kinh Thánh của quản gia, ta bước vào dòng chảy của phước hạnh thiên thượng, kinh nghiệm sự thịnh vượng trong Chúa. Phao-lô dạy: “Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành lại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp” (I Cô-rinh-tô 16:2). Khi nhận lương, hãy dâng ngay 1/10. Làm thế bạn đặt mình dưới sự bảo vệ tài chính của Chúa, dưới các cửa sổ phước hạnh của Ngài. Ở ngoài sự bảo vệ đó, ta rất dễ bị satan tấn công. Kẻ thù vui mừng làm cạn kiệt tài chính của ta, tước đoạt khả năng làm vinh hiển Danh Chúa và mở mang Vương quốc Ngài.
Chúa hứa: “Ta sẽ vì các con mà ngăn cấm kẻ cắn nuốt, nó sẽ không phá hại bông trái của đất các con” (Ma-la-chi 3:11). Trung tín dâng 1/10 sẽ có phần thưởng lớn, Chúa hứa “mở các cửa sổ trên trời cho các con đến nỗi không chỗ chứa chăng?” (Ma-la-chi 3:10).
Ông George giàu có từng cầu nguyện: “Lạy Chúa, ngoài 1/10 thu nhập, con nên dâng thêm bao nhiêu?”. Và Chúa đáp: “Con có thể tin cậy ta cung ứng đến bao nhiêu?”. Ông quyết định thử nghiệm bằng cách trung tín tăng dần đều mức dâng cho việc truyền giáo, và Đức Chúa Trời thành tín luôn ‘trả’ lại cho ông số tiền mà ông cần trong mọi công việc của mình.
Chúa dạy ta dâng hiến theo mức Ngài ban phước (I Cô-rinh-tô 16:2). Nếu Chúa ban cho nhiều, ta có trách nhiệm dâng nhiều; nếu được ban cho ít, ta vui mừng xoay sở trong số ít đó. Dâng hiến rộng rãi vượt quá 1/10 thật sự tôn vinh Chúa.
Phát triển kế hoạch tài chính
Người quản lý, quản gia thường có kế hoạch, mục tiêu tài chính, nhưng không phải Cơ đốc nhân nào cũng đồng ý việc này. Có người tranh luận rằng việc lập kế hoạch ngăn trở ta nương dựa vào Chúa, rằng nên theo sự dẫn dắt của Chúa thay vì các kế hoạch cứng nhắc…
Thực tế việc lập kế hoạch phản ánh bản tính Chúa. Cấu trúc của vũ trụ và trật tự phức tạp của nó chính là kế hoạch chi tiết và khoa học của Chúa; bởi nếu chỉ 1 nguyên tử lệch khỏi quỹ đạo, hỗn độn sẽ xảy ra.
Tương tự, không có kế hoạch tài chính bạn sẽ gặp rắc rối. Phao-lô dạy: “Tôi nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14). Kế hoạch giúp ta thấy được mục đích, mục tiêu để chạy. Tiêu chuẩn Kinh Thánh về quản lý và kế hoạch giúp ta đo lường sự tiến bộ của mình, giữ mình đi đúng hướng.
Lập ngân sách một cách trung tín
Phát triển kế hoạch tài chính không khó. Ngân sách gia đình là khởi điểm: nhận diện nhu cầu, ước muốn… thiết lập ưu tiên, các mục tiêu ngắn và dài hạn cho chi tiêu. Chi tiêu phung phí là thiếu hiểu biết, và sống vượt quá thu nhập chắc chắn sẽ dẫn đến thảm họa. Đức Chúa Trời không bảo vệ chúng ta khỏi hậu quả của việc chi tiêu vô trách nhiệm và không dâng 1/10. Chúa muốn ta sống trong phạm vi thu nhập của mình, thỏa lòng với những điều Ngài ban cho.
Làm chủ thẻ tín dụng!
Quản gia tốt đòi hỏi quản lý mọi thứ, kể cả thẻ tín dụng một cách hiệu quả. Phao-lô khuyên: “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi” (Rô-ma 13-8). Không hẳn đừng bao giờ mắc nợ vì bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, mắc nợ vì tiêu xài, mua sắm những thứ đắt tiền, chưa thực sự cần thiết là không khôn ngoan, là thiếu kế hoạch, thiếu kỷ luật, khiến mình rơi vào vòng luẩn quẩn của nợ nần, nghèo thiếu, sợ hãi, âu lo…
Muối & Ánh sáng
(Nguồn: Bill Bright – VietChristian; Ảnh: Unsplash)