Ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Israel xuất hiện khá sớm. Từ đầu những năm 1920, Haganah (tổ chức bán vũ trang Israel) đã bí mật xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí cỡ nhỏ, khi nước này giành được độc lập (1948), đã phát triển thành Tập đoàn Công nghiệp quân sự Israel (IMI). Đến nay, CNQP Israel đã trở nên hùng mạnh, được đánh giá rất cao trên thế giới.
Chiến lược phát triển
Chiến lược phát triển CNQP Israel dựa trên 2 quan điểm:
1. Tự chủ, đủ khả năng sản xuất tất cả trang bị cần thiết cho quân đội.
2. Chú trọng mua sắm các loại vũ khí từ nước ngoài, song vẫn duy trì vai trò nâng cấp, bảo dưỡng CNQP trong nước.
Để phát triển hệ thống vũ khí trang bị, Israel tuân thủ nguyên tắc: Giá sản xuất trong nước thấp hơn nhập khẩu; chỉ sản xuất hệ thống vũ khí cần thiết để tăng khả năng răn đe không thể có từ các nguồn khác.
Chính phủ Israel phân bổ nhiều nguồn lực cho việc xây dựng nền tảng của CNQP, thành lập các trung tâm tri thức toàn diện tại các trường đại học, các phòng thí nghiệm của chính phủ.
Về cơ cấu, CNQP Israel có các bộ phận chủ yếu:
1. Ủy ban Quốc phòng & Đối ngoại Quốc hội giám sát toàn bộ hoạt động phát triển CNQP và ngân sách quốc phòng.
2. Cục mua sắm và sản xuất trực thuộc Bộ Quốc phòng (PPD), chịu trách nhiệm quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động mua sắm, sản xuất quốc phòng, phát triển cơ sở hạ tầng CNQP.
3. Cục Nghiên cứu & Phát triển quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng tài trợ và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, phục vụ các chương trình phát triển vũ khí trang bị.
Hiện nay, ngành CNQP Israel có khoảng 150 công ty. Trong đó, 3 tập đoàn lớn nhất thuộc nhà nước là IAI (Israel Aircraft Industries), IMI (Israel Military Industries) và RADS (Rafael Arms Development System). Các công ty tư nhân có quy mô trung bình gồm Elbit Systems và Tadiran Group, chuyên sản xuất thiết bị điện tử quân sự. Các công ty quy mô nhỏ chế tạo sản phẩm hẹp hơn.
CNQP Israel sử dụng gần 50.000 nhân công. Tất cả các công ty đều có chung định hướng phấn đấu đạt trình độ nghiên cứu phát triển cao, đồng thời khai thác kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Israel để sản xuất các loại VKTB phù hợp.
Thành tựu & nguyên nhân thành công
Được đầu tư mạnh, nên ngành CNQP Israel đủ năng lực nghiên cứu, phát triển và chế tạo hàng loạt sản phẩm phục vụ quân đội như đạn, súng cỡ nhỏ, pháo các loại, hệ thống điện tử tinh vi, xe tăng hiện đại… Nhờ đó, trải qua 5 cuộc chiến tranh liên tục với quy mô lớn trong 4 thập kỷ đầu tiên kể từ ngày thành lập, Israel đã xây dựng được lực lượng quân đội mạnh, vũ khí hiện đại.
Sự phát triển của CNQP hiện đại thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo ra nguồn thu khổng lồ, từ đó cho phép CNQP Israel cạnh tranh với các hãng sản xuất vũ khí lớn của thế giới, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu chế tạo các loại vũ khí cần thiết cho quân đội Israel.
Năm 2015, Israel bán ra thị trường thế giới lượng vũ khí trị giá 5,7 tỷ USD, 2016: 6,5 tỷ USD, 2017 đạt 9,2 tỷ USD. Suốt 5 năm qua, Israel đứng thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí thế giới; và hiện có quan hệ mua bán vũ khí với hơn 100 nước.
Nguyên nhân thành công của ngành CNQP Israel trước hết nằm ở sản phẩm quân sự chất lượng cao, biết cách phát triển hệ thống đối tác rộng khắp thế giới. Lãnh đạo CNQP Israel cho rằng rất khó đặt chân vào thị trường mới, nếu không có sự trợ giúp của đối tác ở nước sở tại.
Chính vì vậy, khi quyết định mở rộng thị trường tới một quốc gia nào đó, việc đầu tiên là phải thiết lập mối quan hệ hợp tác với các công ty CNQP bản địa – một trong số bí quyết thành công của CNQP Israel.
Cuối cùng, khi tiến hành tư nhân hóa các hoạt động nghiên cứu phát triển VKTB, Israel vẫn duy trì 3 tập đoàn CNQP lớn IMI, IAI và Rafael, thuộc sở hữu nhà nước và không có sự thay đổi nào trong tương lai gần.
Nhìn chung, ngành CNQP Israel mang tính tập trung cao, khai thác đội ngũ khoa học gia, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường quân sự và phi quân sự thế giới.
Song song với việc đảm bảo trang bị cho quân đội nước nhà và tiêu dùng nội địa, xuất khẩu vũ khí trang bị là hướng đi quan trọng của ngành CNQP Israel. Lợi nhuận thu về từ xuất khẩu vũ khí đang được các tập đoàn CNQP Israel tái đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, tạo ưu thế cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Nguyên Phong
(Nguồn: VNnet; Ảnh: nhiều nguồn)