Muoivaanhsang.vn – Giăng Báp-tít không có áo quần đẹp, không thức ăn ngon, không nhà, xe, không thẻ tín dụng; thậm chí ông phải ngồi tù và cuối cùng bị giết chỉ vì mưu đồ của một người phụ nữ. Tuy nhiên Chúa Jesus phán sẽ không có một người nào giống như ông (Ma-thi-ơ 11:7-11).
Theo Giăng Báp-tít, thành công là hướng mọi người đến với Chúa Jesus, ông nói: “Ngài phải được dấy lên, còn ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30).
Vậy, Cơ đốc nhân có nên tránh xa sự thành công như thế gian định nghĩa? Người ta có thể thành công trong sự nghiệp, trong đời sống thuộc linh hay cả hai sẽ loại trừ lẫn nhau? Vài Cơ đốc nhân nói thành công trong công việc sẽ tạo ra sự tín nhiệm để họ nói về Đấng Christ cho đồng nghiệp, những người khác cho rằng họ không quan tâm đến sự thành công… Nhưng đó là họ thành thật hay chỉ né tránh? Đức Chúa Trời có muốn dân sự Ngài thất bại trong công việc, trong xã hội, cuộc sống?
Từ câu chuyện của Giăng Báp-tít, mỗi người có thể tự đặt ra 3 câu hỏi cho chính mình:
- Tiêu chuẩn để tôi có thể đánh giá sự thành công?
- Động cơ, ứng xử của tôi với sự thành công?
- Cái giá mà tôi sẵn sàng trả để đạt được sự thành công?
Quan điểm về thành công của Đức Chúa Trời
Rất ít người trên thế giới này có thể chơi piano giỏi như Shannon – một thiên tài âm nhạc. Tuy nhiên, chính vì âm nhạc đến với anh dễ dàng hơn so với những người ít tài năng, kém điều kiện, nên Shannon hiếm khi chuyên tâm vào việc phát triển tài năng mình. Thay vì mạo hiểm thử sức trong những sân chơi lớn hơn, anh lại hài lòng với ban nhạc địa phương. Được hỏi vì sao không cố gắng phát triển tài năng, câu trả lời của anh đã làm thất vọng người nghe: “Tôi chơi nhạc để kiếm đủ sống”.
Bạn đang được ban cho ân từ, tài năng nào? Hãy dùng nó để phục vụ Chúa. Câu chuyện về những ta-lâng (Ma-thi-ơ 25:14-30) nói về Nước Thiên Đàng, nhưng cũng đưa ra bài học về sự thành công. Đức Chúa Trời đánh giá sự thành công không bởi những gì chúng ta có, nhưng bởi những gì chúng ta làm từ những điều chúng ta có. Vì tất cả mọi điều ta có là quà tặng từ Ngài. Chúng ta chỉ là những người quản lý mà Ngài tin cậy, giao phó. Điều chính yếu mà Ngài tìm kiếm, đó lòng trung tín (Ma-thi-ơ 25:21,23), làm những gì ta có thể làm để vâng phục và tôn cao danh Ngài, bằng bất cứ điều gì Ngài ban cho. Đó chính là sự thành công theo quan điểm Thánh Kinh.
“Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm…”
Tất nhiên, cần một cái giá để đạt đến sự thành công, nhưng có khi nào bạn nghĩ cái giá mà bạn đang phải trả là không hợp lý? Nhiều người mải mê công việc, quên cả gia đình và các mối quan hệ. Họ “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa Nhật”.
Tại sao chúng ta không nghỉ một lúc như Chúa Jesus đã từng khuyên các môn đồ (Mác 6:7,12,30-32). Hỡi những ai đang tranh thủ làm cả ngày nghỉ, chúng ta có nghĩ rằng Chúa hẳn có lý do khi lập nên ngày Sa-bát? Đừng tham công tiếc việc bởi đến ngày cuối cùng, chúng ta hết thảy đều phải khai trình với Đức Chúa Trời về cách mà ta đã sống và làm việc.
Điều Chúa quan tâm là chúng ta có làm theo ý Ngài hay không, chứ không phải ta đã mải mê theo đuổi sự thành công đến mức nào.
Dù niềm tin của xã hội có thế nào, thì quan điểm của Đức Chúa Trời về sự thành công không phải của cải, quyền lực, uy tín, danh tiếng… Cứ cho là nhiều vị thánh đồ thời Cựu Ước vô cùng giàu có theo tiêu chuẩn xã hội thời đó. Nhưng đức tin và sự vâng lời là chìa khóa đem đến thành công.
Bạn không cô đơn!
Thánh Kinh hứa ban thưởng cho tín đồ nào đánh giá sự thành công hay thất bại theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và tìm cách làm vui lòng Ngài. Khi làm theo các chuẩn mực của Chúa, bạn có thể hoặc không thể được thưởng công trong đời này. Tuy nhiên, bạn chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng trên Thiên Đàng.
Cơ đốc nhân có thể thành công trong thế gian này không? Tất nhiên có! Nhưng khi nào quan điểm thành công của thế gian mâu thuẫn với sự thành công thật sự của Đức Chúa Trời, thì Cơ đốc nhân phải sẵn sàng đặt mọi sự trong tay Chúa. Vì mọi Cơ đốc nhân phải có trách nhiệm sử dụng các ân tứ, tài lực của Chúa theo cách làm vui lòng Ngài.
Hầu hết chúng ta cần giúp đỡ trong lĩnh vực này, và đó là lý do vì sao lời Chúa dạy chúng ta phải cởi mở khai trình trách nhiệm với nhau, rằng Cơ đốc nhân phải có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau cùng bước đi theo đúng con đường dẫn đến sự thành công mà Đức Chúa Trời muốn; và hãy nhớ: BẠN KHÔNG CÔ ĐƠN!
Hiển Hy
(Ảnh: Unsplash)