Muoivaanhsang.vn – Điều này cũng liên quan đến thái độ của bạn đối với của cải vật chất, liên hệ đến vấn đề ai thật sự là người làm chủ cuộc đời bạn. Cặp vợ chồng trong câu chuyện sau đây đã nhận ra ai là người nắm giữ cuộc đời họ…
Stanley Tam và vợ là Juanita sở hữu việc kinh doanh xe rơ-mọc. Trước khi cưới nhau, Stanley hầu như không còn hy vọng gì về việc phát triển công ty. Nhưng ngày nọ, khi đang lái xe, Stanley nhận biết Đức Chúa Trời đang phán với anh về công việc kinh doanh. Ngài muốn anh chuyển giao nó cho Ngài. Và Stanley vâng lời, anh hứa với Chúa rằng sẽ tôn cao danh Ngài qua công ty…
Không lâu sau họ cưới nhau, Stanley chia sẻ niềm tin của anh với vợ và cô nhanh chóng đồng ý. Kế hoạch của họ là lập Đức Chúa Trời làm đối tác chính: Chúa sở hữu 50% vốn công ty – 50% lợi nhuận phải được dâng hết cho các công tác Cơ đốc.
Gia đình Stanley nhờ luật sư soạn giấy tờ hợp tác ghi rõ Đức Chúa Trời là đối tác chính – một kỳ công không nhỏ – và họ thành lập Stanita Foundation.
Đức Chúa Trời bắt đầu ban phước trên công việc kinh doanh vượt quá mong đợi! Họ dâng hiến nhiều đến nỗi Cơ quan Thuế vụ phải đến kiểm toán sổ sách suốt 10 năm liên tiếp vì không thể hiểu nổi tại sao công ty có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn chỉ từ 49% vốn, so với hầu hết mọi người sở hữu 100% vốn.
Về sau, khi Stanley và Juanita đang trong chuyến truyền giáo đến Colombia, họ còn đối diện với một thách thức lớn hơn: Đức Chúa Trời phán với anh thật rõ ràng: Ngài muốn anh chuyển giao toàn bộ công việc kinh doanh cho Ngài!
Không phải 51%, mà là 100% cả 2 công ty gia đình đang sở hữu! Stanley và Juanita cuối cùng chọn vâng phục Chúa, trở thành người làm công cho chính công ty của mình. Họ chuyển giao 49% quyền sở hữu cho Đức Chúa Trời, và Ngài đã khiến công ty và ‘người làm công’ của Ngài được thịnh vượng.
Được hỏi bí quyết thành công, Stanley đã trả lời đơn giản: “Đức Chúa Trời làm chủ việc kinh doanh của tôi!”
Có thể bạn đang không kinh doanh. Vậy ai là người đang quản lý những gì bạn sở hữu? Bạn đánh giá về tài sản mình thế nào? Nó thực sự của bạn, hay bạn chỉ đang ‘mượn’ chúng từ Đức Chúa Trời?
Bạn đang sở hữu tiền bạc, nhà cửa, đất đai…? Xã hội cho biết bạn đang sở hữu của cải. Nhưng câu chuyện về người trồng nho (Lu-ca 20:9-19) đã thách thức quan điểm này. Chúa Jesus kể câu chuyện về những người làm công lập mưu cướp vườn nho từ tay ông chủ thay vì giao nộp sản vật. Họ xem trọng đất đai, cây trồng, hoa trái hơn con người – họ đánh đập các đại diện của chủ (c.10-12), thậm chí giết cả con ruột của chủ (c.14-15). Tương tự, những người lãnh đạo thời đó muốn giết Chúa Jesus (c.19), họ bị đám đông ngăn lại, nhưng cuối cùng cũng làm theo ý mình.
Câu chuyện thách thức chúng ta xem xét những điều Đức Chúa Trời tin cậy, giao phó và mong đợi. Cho dù Ngài giao việc gì, chúng ta cũng chỉ là những người làm công; sở hữu muôn vật chính là Đấng Tạo hóa. Ngài cho chúng ta ‘mượn’ cuộc đời, gia đình, kỹ năng… Ngài kêu gọi chúng ta quản lý tốt chúng để tôn cao danh Ngài.
Điều đó có nghĩa chúng ta phải từ bỏ việc giữ chặt lấy của cải và tham muốn tích trữ, đến nỗi bị cám dỗ dùng mọi mưu chước để nắm giữ. Chúng ta cần giữ mọi thứ với thái độ của người làm công, luôn nhớ rõ chính Đức Chúa Trời mới thật sự sở hữu, Ngài cho chúng ta ‘mượn’ mọi thứ vì vinh hiển Ngài và vì ích lợi của những người khác.
Vậy, quan điểm về sự thành công của Đức Chúa Trời là gì? Đó là không phải của cải, quyền lực, uy tín, danh tiếng… Nhiều thánh đồ thời Cựu Ước vô cùng giàu có theo các tiêu chuẩn xã hội của họ. Tuy nhiên, niềm tin vào Đức Chúa Trời và sự vâng lời sẽ đem đến thành công về vật chất.
Thánh Kinh hứa ban thưởng cho những ai đánh giá thành công hay thất bại theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Khi làm theo các chuẩn mực của Chúa, bạn có thể hoặc không được thưởng công trong đời này. Tuy nhiên, bạn chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng trên Thiên Đàng!
Cơ đốc nhân có thể thành công trong thế gian? Tất nhiên! Nhưng nơi nào quan điểm thành công của thế gian mâu thuẫn với thành công thật sự của Đức Chúa Trời thì Cơ đốc nhân phải sẵn sàng đặt mọi sự trong tay Chúa. Hơn thế, mọi Cơ đốc nhân phải có trách nhiệm sử dụng ân tứ, ta-lâng, tài lực… của Đức Chúa Trời theo cách làm vui lòng Ngài.
Ken Abraham
(Trích: ‘Bày tỏ Đức Chúa Trời qua công việc của bạn’; Ảnh: Unsplash)