Sai lầm là một phần không thể tránh trong quá trình sống, học và làm việc của mỗi người. Dù sai lầm là bước đệm đưa ta đến gần với thành công, chúng cần giới hạn cho phép. Dưới đây là 6 sai lầm trong công việc bạn nên tránh xa hoặc sửa chữa lập tức nếu muốn thành công.
1. Tin rằng mình biết mọi thứ và tự tay làm mọi thứ
Để thành công, kiến thức, kỹ năng chuyên môn của bạn cần được trau dồi thật tốt. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ mình cần biết mọi thứ, tự tay mình làm mọi thứ thì bạn đang tự đặt mình vào thế thất bại. Ấy là chưa kể đến việc bạn sẽ trở thành người quản lý thiếu tin tưởng để giao việc.
Đừng tự giết chết thành công bằng cách cố sức nắm hết mọi thứ, tự tay làm tất cả. Thay vào đó, cần nhớ người thành công là người biết tận dụng thế mạnh của đồng đội, biết cách tạo ra không gian cho các thành viên khác cùng làm việc và hoàn thành mục tiêu.
2. Cho rằng kỹ năng lãnh đạo theo thời gian tự nhiên mà có
Dù bạn có năng lực chuyên môn cao, được ưu ái đề bạt làm lãnh đạo, nhưng nếu như bạn chưa từng trải bất kỳ quá trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo nào, thì đừng nghĩ những thứ giúp bạn thăng tiến sẽ tiếp tục giúp bạn trụ vững. Nếu được đặt vào vị trí lãnh đạo, bạn càng cần mài giũa kỹ năng hơn nữa.
Căn bệnh của hầu hết người giỏi khi được đề bạt vị trí cao là nghĩ không cần thiết phải được đào tạo thêm nữa. Thật vô cùng sai lầm. Trên thực tế, kỹ năng lãnh đạo đòi hỏi rèn luyện và phát triển liên tục. Cụ thể, bạn có thể dành thời gian mỗi ngày để tự rèn giũa kỹ năng, tham gia các khóa học hoặc tuyển thêm người cố vấn để giúp phân tích điểm mạnh yếu của bản thân nhằm dựng xây sự tự tin của chính bạn.
3. Mắc bệnh ‘cả thèm chóng chán’
Là doanh nhân trẻ trong thời đại công nghệ, rất có thể tinh thần khởi nghiệp của bạn là luôn khát khao các nền tảng công nghệ mới, không ngần ngại bắt tay vào các dự án ‘chưa từng’ để tạo giá trị mới. Thật đáng mừng, đáng trân trọng. Tuy nhiên, đối với một số cá nhân, nó đi kèm mặt trái. Nếu bạn theo đuổi dự án mới nhưng lại mất hứng thú với những gì đang thực hiện thì nguy cơ bạn sẽ chệch hướng.
Khi đạt đến mức độ nhất định, thành công lúc này không gói gọn trong việc tìm cơ hội mới, mà ở chỗ biết nắm bắt cơ hội phù hợp. Càng dành nhiều thời gian tìm những thứ mới, bạn càng có ít thời gian trau dồi bản thân.
4. Bỏ bê cuộc sống, đeo đuổi thành công
Dù thừa nhận hay không, cuộc sống ngoài công việc của bạn ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp. Nếu cho rằng làm việc nhiều hơn sẽ giúp bạn thành công thì bạn sai lầm lớn. Làm việc nhiều hơn không đồng nghĩa với thành công hơn người khác. Thời lượng bạn bỏ vào công việc không quan trọng bằng chất lượng, kết quả trong thời gian ấy.
Nhiều người có thể làm việc cả ngày lẫn đêm vẫn không hiệu quả bằng những người tan sở sớm, dành thời gian cho gia đình, sức khỏe, cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Khoa học đã chứng minh ta làm việc hiệu quả nhất khi đi kèm với nghỉ ngơi, thư giãn, thể dục. Thâu đêm suốt sáng vì công việc khiến bản thân tàn tạ, bỏ bê gia đình, bạn bè, sức khỏe… rốt cuộc chẳng còn lại gì.
5. Theo đuổi chức danh thay vì làm tốt vai trò của mình
Người theo đuổi chức danh thay vì nỗ lực làm việc để đạt kết quả thường chỉ dừng lại ở mức trung bình. Nếu bạn chỉ quan tâm đến chức danh, địa vị – những thứ bên ngoài – hơn là giá trị cốt lõi bên trong – bạn sẽ tự tay phá hủy thành công của mình.
Sự thay đổi về chất (chức danh) chỉ thay đổi khi ta thay đổi về lượng (khả năng) đã được tích lũy. Thế nên cần tập trung vào việc làm thế nào để phát triển bản thân trước, hơn là dòm ngó thứ mà mình chưa sẵn sàng. Khi đã tích lũy đủ mọi thứ cần thiết, thì đến kỳ thuận tiện, bạn sẽ được nhấc lên.
6. Qua cầu rút ván
Đây là sai lầm lớn nhất của con người. Khi nghỉ việc, có thể bạn sẽ hấp tấp, oang oang về công ty cũ; Nó khiến bạn thỏa mãn trong giây lát, nhưng có thể sẽ phải trả giá đắt về uy tín của mình.
Bạn có thể gặp lại sếp, đồng nghiệp cũ mà chính bạn cũng không ngờ. Vì thế hãy cư xử lịch thiệp khi nghỉ việc. Hãy để mọi người nhớ về mình với sự tôn trọng, chứ không phải những ấn tượng xấu xí.
Lê Duy
(DNSG I Ảnh: Pixabay, Unsplash)
* Muối & Ánh sáng:
Lời Chúa dạy: “Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài sẽ nhắc anh em lên” (I Phi-e-rơ 5:6)
“Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thịnh nộ. Lưỡi người khôn ngoan tô điểm tri thức, nhưng miệng kẻ ngu dại tuôn ra sự điên rồ” (Châm ngôn 15:1-2)