Thúc đẩy nhân viên, cảm ơn họ vì sự đóng góp cùng những phản hồi mang tính xây dựng… mọi nhà lãnh đạo điều biết và cố gắng thực hiện. Nhưng có thể họ không biết 5 từ đơn giản mà nếu được dùng đúng sẽ tác động tích cực, mạnh mẽ lên nhân viên và công việc, đó là: “Bạn có thể giúp tôi?”
Đơn giản chỉ là kêu gọi giúp đỡ, nhưng tại sao lại tác động mạnh mẽ? Bạn không còn là đứa trẻ. Bạn thông minh, hiểu biết, nhiều kinh nghiệm, nhiều thành tựu, có vị trí nhất định trong lĩnh vực mình làm, nhưng lại không ngần ngại nói lên điểm yếu của mình. Vì vậy khi đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ, bạn đã gián tiếp nâng giá trị, hình ảnh của mình lên.
Chẳng hạn nếu bạn cần sự hỗ trợ khi chuẩn bị thuyết trình, bạn có thể gặp nhân viên và nói: “Tôi sắp họp với nhà đầu tư, và slide thuyết trình của tôi cần chỉnh sửa một chút về định dạng…”.
Câu này cho thấy tầm quan trọng và đảm bảo cái ‘tôi’ của bạn được bảo vệ. Dù có thể bạn cần chút hỗ trợ về PowerPoint, bạn vẫn là người thuyết trình với nhà đầu tư, người sẽ làm phần việc nặng ký nhất.
Hơn thế cụm từ này không thể hiện sự ra lệnh – thói quen thường thấy ở nhiều ông chủ, nhà lãnh đạo – mà chỉ yêu cầu nhẹ nhàng, nhưng là cách tiếp cận hiệu quả.
Khi bạn cần hỗ trợ, bất kể đó là gì và bất kể người bạn cần là ai, hãy vứt bỏ giọng kẽ cả. đưa ra lời yêu cầu chân thành, khiêm tốn: “Bạn có thể giúp tôi?”. Người tiếp nhận sẽ nói: “Ồ! Chắc chắn rồi” hoặc “Tôi sẽ cố gắng”… Ai có thể nói ‘không’ với bạn dù là người lạ?
Bằng cách thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng, trao cho họ tự do chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bạn không chỉ nhận được sự giúp đỡ mình muốn, mà còn nhận được điều mình cần – nhiều hơn rất nhiều.
Từ sự hài lòng, tự hào đến sự tôn trọng, tin tưởng bạn dành cho họ, họ sẽ trung thành với bạn hơn. Bởi bạn đã cho họ thấy việc thể hiện điểm yếu, kêu gọi sự giúp đỡ là hết sức bình thường.
Chỉ cần lưu ý khi nói, đừng đặt bản thân trên người khác. Đừng khiến lời yêu cầu của mình quá cụ thể, đừng nói cụ thể điều bạn cần. Thay vào đó, hãy nói những gì bạn cần giúp đỡ. Ví dụ: “Tôi không giỏi PowerPoint, nên các slide thuyết trình của tôi trông không ổn lắm”, hoặc “Chúng ta phải chuyển tài liệu này đi vào thứ Ba, và đến giờ tôi vẫn chưa có ý tưởng nào để thực hiện phần việc này”, hoặc “Tôi bị lạc, không thể tìm thấy khách sạn của mình”…
Khi nói theo cách đó, một số điều kỳ diệu sau sẽ lập tức xảy ra với người tiếp nhận thông tin:
1. Thể hiện sự tôn trọng ngay lập tức
Câu nói của bạn chứa đựng thông điệp ngầm “Bạn hiểu biết nhiều hơn tôi”, hay “Bạn có khả năng làm điều tôi không thể”, “Bạn có kinh nghiệm, tài năng mà tôi không có”, “Tôi tôn trọng bạn”… Mức độ tôn trọng này cực kỳ mạnh mẽ, thể hiện sự trao quyền cho người tiếp nhận.
2. Thể hiện sự tin tưởng ngay lập tức
Bạn thừa nhận điểm yếu của mình và ngầm thể hiện rằng bạn tin tưởng họ vì họ có những kỹ năng, hiểu biết bạn không có. Thông điệp ngầm trong câu này là “Tôi tin tưởng bạn”. Mức độ tin cậy này cực kỳ mạnh mẽ, thể hiện sự trao quyền của bạn đối với người tiếp nhận.
3. Thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe ngay lập tức
Bạn không cố gắng đưa ra yêu cầu chính xác về cách mà người khác nên giúp đỡ mình. Bạn trao cho họ tự do quyết định. Thông điệp ngầm là “Không cần nói những gì bạn nghĩ tôi muốn nghe, hãy nói những điều bạn nghĩ tôi nên làm”.
Mức độ tự do quyết định này cực kỳ mạnh mẽ, thể hiện sự trao quyền của bạn với người tiếp nhận. Và cuối cùng, bạn nên nói 2 từ khác cũng mạnh mẽ không kém 5 từ trên: “Cảm ơn!”.
Bích Trâm
(Doanh nhân Saigon; Ảnh: Unsplash)
* Muối & Ánh sáng:
Lời Chúa dạy: khiêm nhường là thái độ tự hạ mình xuống. Người khiêm nhường không phải không biết giá trị của mình. Nhưng người ấy biết so mình với Chúa để rồi không tự đề cao mình, cũng không hạ người khác xuống.
Khiêm nhường nói dễ, làm khó, và khiêm nhường là một mỹ đức được Chúa yêu quý. Kinh Thánh cho biết nhiều phước hạnh cho người khiêm nhường: giàu sang, tôn trọng, thành công… (Châm ngôn 15:33; 22:4; 29:23), được Chúa nghe lời kêu cầu (Thi thiên 9:12), được cứu vớt (Gióp 22:29), Chúa ở cùng, làm tươi tỉnh tâm linh (Ê-sai 57:15), ban phước (Gia-cơ 4:6; I Phi-e-rơ 5:5). Trong Ma-thi-ơ 18:4 Chúa Jesus dạy rằng người khiêm nhường như đứa trẻ sẽ là lớn trong nước Thiên Đàng.
Người khiêm nhường được Chúa ban phước vì biết đặt đúng vị trí của mình trong tương quan với Chúa và với người. Với Chúa, người khiêm nhường thừa nhận mình là vật thọ tạo tùy thuộc vào ân huệ và sự chu cấp, dẫn dắt của Chúa. Với người, người khiêm nhường nhận mình là một người cần được giúp đỡ và phục vụ tha nhân vô điều kiện. Có thái độ sống như vậy, ta mới có thể thực hành 2 điều răn lớn của Chúa: kính Chúa, yêu người.