1. Viết ra điều cần làm trong ngày
Mỗi sáng, việc đầu tiên sau khi tập thể dục là tôi tìm một chỗ vắng, với cuốn sổ và ly cà phê, viết ra 10 điều tôi dự định sẽ làm trong ngày (Things to Do). Bắt đầu bằng những việc quan trọng trước, những việc hôm qua chưa hoàn tất. Chỉ mất 15 phút. Mỗi thứ hai đầu tuần, tôi kiểm lại hiệu quả những việc đã làm và chưa làm trong tuần. Mỗi ngày đầu tháng và mỗi ngày đầu năm, tôi cũng tiến hành quy trình tương tự. Bạn có thể xem đây là việc “tự phê” và “tự tha thứ”!
15 phút mỗi ngày, 15 phút mỗi tuần, cộng với 30 phút mỗi tháng và 2 giờ mỗi năm khiến tôi mất cả thảy 111 giờ hay 5 ngày. Tuy nhiên, tôi đã tiết kiệm không biết là bao nhiêu thì giờ khỏi chạy loanh quanh vì lạc hướng, vì quên, vì những thứ lăng nhăng khác quấy nhiễu.
2. Nghĩ, nói & làm cách từ tốn
Hồi trẻ, tôi có thói quen phản ứng rất nhanh, từ lời nói đến việc làm, đôi khi không kịp nghĩ. Do đó, tôi thường phạm nhiều lỗi lầm tệ hại, nhất là khi đối phó với những con ‘cá mập’ của trường đời. Tôi lầm tưởng cho rằng sự nhanh nhảu minh chứng kỹ năng siêu đẳng, khiến người đối diện thán phục. Đôi khi tôi hứa hẹn quá khả năng thực hiện và nhiều lần quên mục đích tối hậu của mình.
Nhưng lúc này tôi không bao giờ trả lời một đề nghị làm ăn trước 10 ngày. Tôi muốn mình và nhân viên cần nghĩ thật kỹ, nghiên cứu (research) thấu đáo nhiều góc cạnh. Khi trả lời, tôi có nhiều lối thoát (escape clauses) để phòng vệ khi phi vụ không như mong đợi. Sau cùng, tôi cố ý làm chậm mọi điều khoản để nhận rõ những lỗ hổng và có thì giờ điều chỉnh.
Nhiều bạn thường tiếp thị là dự án, công ty này thuộc loại “cơ hội ngàn năm có một”. Tôi thấy các cơ hội ngàn năm này gõ cửa mỗi ngày, khắp nơi.
3. Đừng sợ!
Khi đã quyết định bắt tay làm, cần chú tâm vào việc hoàn tất chúgn. Luôn thực tế nhận định là thách thức, khó khăn sẽ đến từng giờ, từng ngày. Đây không phải lúc than thân trách phận, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Mình chịu trách nhiệm phần việc của mình, sẵn sàng trả giá cho mọi sai lầm. Nhìn thẳng vào mục tiêu và không sợ sệt trước bất cứ áp lực gì. Mở rộng trí óc để đón nhận đề nghị và phê bình, nhưng không bao giờ “nhận rác” từ đối thủ hay ganh tị.
Bình tâm với kết quả hàng ngày. Sáng tạo cùng đội ngũ và tìm giải pháp chứ không “bới lông tìm vết”. Say sưa với các khám phá mới, học hỏi mới, quan hệ mới. Vui vẻ và lạc quan trong mọi hoàn cảnh, dù thực tại có khó khăn đến đâu. Cũng nhớ đừng bay cao quá, dẫn đến hoang tưởng. Thua keo này, bày keo khác. Tiếp tục đi. Tự nhủ lòng mình “can đảm”. Có câu: “Đừng bao giờ để đối phương thấy mình đang… đổ mồ hôi lạnh!”.
4. Giữ lời
Trong bậc thang giá trị đạo đức kinh doanh, giữ lời là chuẩn cao nhất. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, lời hứa quan trọng hơn tiền bạc, nên cần ‘tiêu xài’ dè sẻn. Khi lập cuộc hẹn với bất cứ ai, cần cố gắng đúng giờ. Nếu gặp sự cố, hãy điện thoại báo trước và xin lỗi.
Với các dự án lớn, cần luôn nói rõ những điều ngoài khả năng. Minh bạch giúp rất nhiều trong việc giữ lời hứa. Trong chuyện tiền bạc, cố gắng đừng vay mượn, mắc nợ, kể cả các loại thẻ tín dụng ứng trước (debit). Sau cùng, đặt tiền của người khác ở vị trí ưu tiên hơn tiền của mình là cách hay để đối tác tiếp tục tin cậy, làm ăn với mình.
5. Giữ vững niềm tin
Làm người đã khó, làm việc kiếm tiền còn khó hơn! Và ‘tài sản mềm’ quý giá của xã hội, quốc gia, công ty, cá nhân – chính là niềm tin. Ngoài đam mê, ta cần niềm tin vào sự thành công của dự án, của lý tưởng. Thua cuộc chỉ là tạm thời, bỏ cuộc mới thất bại. Còn niềm tin thì không bỏ cuộc.
Niềm tin không thể tự tạo, nhưng phải trải qua thử thách, thử nghiệm, khảo sát, sàng lọc. Niềm tin cần là điều bất di dịch. “Không ngừng đặt câu hỏi” dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ cũng là yếu tố cần thiết để củng cố niềm tin, đi đến thành công.
TS. Alan Phan
(Biên tập: Thảo Phạm // Ảnh: Pixabay)
Muối & Ánh sáng:
Thật ra, tất cả ‘bí quyết’ trên của doanh nhân ngoài Chúa – Tiến sĩ Alan Phan – đều có cả trong Kinh Thánh.
1. “Con người HOẠCH ĐỊNH đường lối mình, nhưng Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người” (Châm ngôn 16:9). Chúa sẽ “chỉ dẫn các bước của người”, khi con người “hoạch định đường lối” và “nhờ cậy Ngài” (Thi Thiên 20:7)
2. “Vậy, hãy xem xét CẨN THẬN về cách sống của anh em, đừng sống như người dại dột, nhưng sống như người khôn ngoan” (Ê-phê-sô 5:15)
3. “Đức Chúa Jesus liền phán với họ: Hãy yên lòng, Ta đây, ĐỪNG SỢ!” (Ma-thi-ơ 14:27)
4. Chúa chính là ĐẤNG GIỮ LỜI, nên Ngài muốn con cái cũng phải học theo Ngài: “Áp-ra-ham đã kiên nhẫn đợi chờ như vậy, nên mới nhận được điều đã hứa” (Hê-bơ-rơ 6:15)
5. Lời Chúa dạy phải có Đức tin: “Ông [Áp-ra-ham] không để lòng vô tín làm cho mình nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong ĐỨC TIN và tôn vinh Đức Chúa Trời” (Rô-ma 4:20)