Vì sao ta hay chần chừ?
Cho dù bạn bao nhiêu tuổi, xuất thân, hoàn cảnh thế nào, thành tựu ra sao, luôn có thời điểm bạn cảm thấy cần thay đổi, cần cơ hội mới…
Một báo cáo của LinkedIn cho thấy chỉ 25% trong số 313 triệu người chủ động tìm việc; 60% thụ động cho biết sẽ nghiêm túc xem xét cơ hội mới.
Con người thường sợ hãi, trốn tránh thay đổi. “Lo âu là căn bệnh gắn liền với sự tự do” (Kierkegaard), ngay cả khi hiện tại không hài lòng, ta vẫn cố gắng thích nghi trước khi chủ động thay đổi.
Phân tích cho thấy dù môi trường làm việc tiêu cực, khó gắn kết, khó hòa nhập văn hóa doanh nghiệp… nhiều người vẫn tiếp tục một thời gian dài. Không ít người nhảy việc do cảm tính, rồi thất vọng nghĩ: môi trường quen thuộc dù sao vẫn thoải mái, đảm bảo hơn.
Công việc không ổn định là một trong số nguyên nhân dẫn đến bất an, áp lực. Do vậy, Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế Thế giới coi an ninh nghề nghiệp là một phần quan trọng của chất lượng cuộc sống. Nên dù công việc nhàm chán đến đâu, ta cũng khó buông bỏ.
Tuy nhiên, thời gian không nhân từ với kẻ thích chần chừ! Harvard Business Review (HBR) khẳng định cần nhảy việc ngay khi bạn thấy xuất hiện 5 dấu hiệu sau:
1. Không còn học hỏi được gì từ công việc hiện tại
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hạnh phúc là được học hỏi điều mới mẻ, để cảm thấy mình tiến bộ hơn mỗi ngày. Điều này đặc biệt đúng đối với người sáng tạo, luôn khao khát điều mới…
2. Hiệu suất kém
Nếu đang cảm nhận sự trì trệ như chiếc xe không người lái, bạn sẽ chẳng đi được đến đâu. Không sớm thì muộn trạng thái này sẽ làm thui chột khả năng, hạ thấp giá trị con người và CV của bạn. Nếu muốn vẫn tràn đầy năng lượng, bạn thử thay đổi môi trường, tính chất công việc nhằm kích thích lòng nhiệt tình và khả năng làm việc của bạn.
3. Bị đánh giá thấp
Ngay cả khi hài lòng với mức lương, cơ hội thăng tiến… bạn vẫn không thể tận hưởng công việc của mình trừ khi được công nhận.
Người thường xuyên bị đánh giá thấp trong công việc dễ cạn kiệt nhiệt tình, tiêu cực, bỏ việc, làm lấy lệ, thiếu trách nhiệm… Một lãnh đạo bị đánh giá thấp, rủi ro cao hơn nhiều so với nhân viên; khi con người bị ức chế, hậu quả thật khó lường.
4. Làm việc chỉ để kiếm tiền
Dù với nhiều người, làm việc là để kiếm tiền. Nhưng một công việc chỉ nhằm duy nhất kiếm tiền là công việc không đáng làm nhất.
Dù ‘tiền ảnh hưởng đến động lực’ (HBR), nhưng được công nhận khích lệ gấp 3 lần so với phần thưởng vật chất. Trong một số trường hợp, vật chất có thể phản tác dụng, mất động lực, giảm ham muốn học tập hoặc thử thách cá nhân, dập tắt nhiệt tình.
5. Không thích sếp
Có câu: “Chúng ta gia nhập vì công ty và rời đi vì ông chủ”. Trong một khảo sát về khả năng lãnh đạo cho biết 75% nhân viên tiết lộ căng thẳng trong công việc đến từ lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp. Đa số nguyên nhân nhảy việc cũng xuất phát từ người sếp. Do đó, xây dựng lãnh đạo có tâm và tầm cần đặt lên hàng đầu.
Tất nhiên, 5 dấu hiệu này không phải tất cả những gì bạn cần. Còn nhiều yếu tố khác tác động khiến bạn nhảy việc, chẳng hạn: mất cân bằng, xung đột giữa công việc với cuộc sống, áp lực kinh tế, áp lực cắt giảm nhân sự, yếu tố địa lý… Nhưng hầu hết do môi trường xung quanh gây ra chứ không do yếu tố tâm lý, và rất ít có sự thay đổi chủ quan.
Dù vậy, quyết định đi hay ở chính xác hay không cần dựa vào kết quả sau cùng và mức độ hài lòng với kết quả. “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó” (Abraham Lincoln). Cách duy nhất để biết thay đổi của bạn chính xác hay không là do… bạn tự quyết định.
Anphabe
(Nguồn: Tạp chí Doanh Nghiệp & Tiếp Thị I Ảnh: Unsplash)
* Muối & Ánh sáng:
Lời Chúa dạy: “Mọi việc đều có thời điểm, mọi sự dưới bầu trời đều có định kỳ của nó… Có kỳ ném đá, có kỳ gom đá; có kỳ ôm ấp, có kỳ ruồng bỏ; có kỳ tìm kiếm, có kỳ đánh mất; có kỳ giữ lại, có kỳ ném đi. Có kỳ xé rách, có kỳ khâu vá; có kỳ nín lặng, có kỳ lên tiếng. Có kỳ yêu, có kỳ ghét; có kỳ chiến tranh, có kỳ hòa bình. Người làm việc có được ích lợi gì về công lao khó nhọc của mình chăng? Ta đã thấy công việc mà Đức Chúa Trời giao cho con người phải gắng sức làm. Mọi việc Đức Chúa Trời đã làm đều là tốt đẹp trong thời điểm của nó…” (Truyền đạo 3)